Các kỹ sư đang hiệu chỉnh robot tự động Super Aegis II trước khi thử nghiệm. Ảnh: Reuters |
Theo BBC, công ty DoDAAM, Hàn Quốc đã sản xuất thành công trạm vũ khí có khả năng tự động nhận dạng và tấn công mục tiêu. Super Aegis II, tên của trạm, gồm một đại liên 12,7 mm, hệ thống cảm biến tìm và chỉ thị mục tiêu cùng cáp kết nối đến trung tâm chỉ huy. Màn hình trung tâm hiển thị các thông tin từ hệ thống cảm biến. Người điều khiển không trực tiếp can thiệp vào vũ khí mà quan sát thực địa trên màn hình do robot ghi lại.
Khi mục tiêu khả nghi xuất hiện, robot sẽ phát thông điệp cảnh báo bằng âm thanh có phạm vi hoạt động tới 3 km. Hệ thống âm thanh hướng đến mục tiêu với độ chính xác rất cao. Thông điệp là: “Dừng lại hoặc chúng tôi sẽ bắn”. Một kỹ sư của công ty cho biết, robot tuân thủ các quy tắc tham chiến theo luật pháp quốc tế. Chúng có thể tiêu diệt xe tải ở khoảng cách tới 4 km.
Jungsuk Park, một kỹ sư của dự án, tiết lộ: “Ban đầu, Super Aegis II được thiết kế để tấn công mục tiêu tự động, nhưng các khách hàng của chúng tôi yêu cầu sự can thiệp của con người ở giai đoạn khai hỏa”. Sau khi giới thiệt robot lần đầu vào năm 2010, DoDAAM đã xuất khẩu khoảng 30 sản phẩm cho các khách hàng trên thế giới. Chúng bảo vệ một số căn cứ không quân quan trọng của UAE, cung điện Hoàng gia ở Abu Dhabi.
Robot Atlas, một sản phẩm của Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA), Mỹ. Ảnh: DARPA |
Phát triển robot tự động đang trở thành một xu hướng công nghệ hấp dẫn với quân đội các nước trên thế giới. Năm 2005, New York Times từng đưa tin về kế hoạch thay thế binh sĩ bằng robot của Lầu Năm Góc. Cỗ máy nhả đạn sẽ thay thế cho con người trong các nhiệm vụ nguy hiểm. Người thân của binh lính sẽ không thấp thỏm khi người thân của họ tới các khu vực chiến sự.
Những robot như Super Aegis II là lựa chọn lý tưởng cho nhiệm vụ chiến đấu ở những khu vực nguy hiểm, với những lợi ích thiết thực như hiệu suất chiến đấu cao, không thương vong.
Mặc dù vậy, việc sử dụng chiến binh máy cũng có thể tạo ra những mối nguy hiểm khó lượng đối với nhân loại. Dù các kỹ sư luôn cố gắng lập trình robot với phần mềm nhận thức tình huống cao nhất nhằm loại trừ khả năng bắn nhầm vào mục tiêu dân sự, nguy cơ vẫn rất lớn, bởi chúng chỉ là những cỗ máy.
Cơ chế nào giúp robot tự động phân biệt mục tiêu quân sự và dân sự? Chúng cần bộ quy tắc nhận dạng như thế nào? Đó là những câu hỏi rất khó.
Colin Allen, giáo sư khoa học nhận thức và triết lý, Đại học Indiana, Mỹ từng tuyên bố: “Chúng ta cần tìm hiểu những khiếm khuyết trong quy tắc đạo đức dành cho chiến binh máy. Robot cũng cần có khả năng tư duy để tự học".
Nhưng khi những robot có khả năng tuy duy, có thể chúng sẽ không phục tùng con người và thậm chí hủy diệt nhân loại. Kịch bản hệ thống máy tính tự động Skynet tàn sát nhân loại trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Kẻ hủy diệt” là một khả năng mà chúng ta không thể làm ngơ trong kỷ nguyên robot.
Anders Sandberg, nhà nghiên cứu cao cấp tại trường Oxford Martin thuộc Đại học Oxford, Anh cho rằng, xây dựng quy tắc đạo đức cho chiến binh máy sẽ dẫn tới những rủi ro rất lớn. Phần lớn giới phân tích trên thế giới phản đối ý tưởng sản xuất và sử dụng chiến binh robot. Nếu không có một bộ quy tắc quốc tế quy định rõ ràng đối với chiến binh máy, có thể nhân loại sẽ phải đương đầu với thảm họa diệt vong trong tương lai.