Khi nào trẻ được dùng điện thoại trong giờ học?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kinh nghiệm từ mấy năm tổ chức thực nghiệm việc sử dụng điện thoại thông minh trong học Toán ở trường THCS và THPT cho tôi thấy, việc quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học không hề dễ dàng.

Điện thoại chỉ tốt khi học sinh đã vững kiến thức nền. Ảnh minh họa
Điện thoại chỉ tốt khi học sinh đã vững kiến thức nền. Ảnh minh họa

Trong các giờ thực nghiệm, chúng tôi đã thiết kế hoạt động phải sử dụng điện thoại, điện thoại có cài app để hỗ trợ việc học... thế nhưng, cả giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ nội quy chặt chẽ. Quan trọng nhất là học sinh trong các giờ học đó, có tâm thế tự học khá cao, các em được hướng dẫn và làm quen với điện thoại, để biến nó thành phương tiện học tập. Còn giáo viên thì được huấn luyện rất kĩ càng.

Những điều kiện tiên quyết

Có nhiều yêu cầu được đặt ra, và bắt buộc phải đạt được, lấy đó làm cơ sở để giáo viên “cho phép” học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Tôi chỉ nêu ra một số điều kiện mà tôi cho là nổi bật:

1. Có nội dung bài học phải dùng điện thoại.

Nghĩa là nếu “không cần dùng điện thoại thì nhất quyết không cho dùng”. Trong giờ học Toán, chúng tôi thiết kế nội dung dùng điện thoại khi học sinh tham gia trắc nghiệm (Kahoot, Quiz), sử dụng công cụ tính, hình vẽ... (Geogebra, Excel...)... Đồng thời, các nội dung này có tính hệ thống. Khi viết chương trình cho nhà trường, tôi đã chỉ ra và điều chỉnh các bài dạy, để học sinh có điều kiện rèn luyện một kĩ năng công nghệ, đồng thời thành thạo phần mềm.

2. Có khả năng kiểm soát an toàn thông tin.

Điều này là cực kì quan trọng.

Ở các lớp tôi thực nghiệm, trường học đã là trường công nghệ rồi, nghĩa là học sinh và giáo viên đều thành thạo an ninh mạng, tuân thủ, và được giám sát khi nhà trường đầu tư hạ tầng tốt. Năng lực kiểm soát nằm ở người giáo viên, nhà quản lí và hệ thống quản lí của nhà trường - gia đình. Việc này không hề đơn giản và dễ tiến hành. Nó là một quá trình rèn giũa hành vi, thói quen, đồng thời là sự tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy, trách nhiệm. Người giáo viên không những có thể tạo ra bài học “phải dùng công nghệ”, mà còn bảo đảm được những tình huống phát sinh.

3. Có điện thoại an toàn, đồng bộ.

Nghĩa là, trong một lớp học, em có/ em không có điện thoại mà lại tổ chức dùng thì không ổn. Đồng thời, các app được cài đặt phải đồng bộ. Vì chỉ cần sự khác biệt giữa các nền tảng, cho ra những kết quả khác nhau, gây tranh cãi thì việc đi giải quyết nó còn nhọc hơn việc không dùng nó!!!

Học sinh trung học tại Hà Nội trao đổi về vai trò của điện thoại trong học tập. Ảnh minh họa

Học sinh trung học tại Hà Nội trao đổi về vai trò của điện thoại trong học tập. Ảnh minh họa

Điện thoại không mang lại kiến thức nền

Tôi cũng cho rằng, nếu chỉ để tra cứu thông tin thì không nên dùng điện thoại. Trong học tập, thử thách nhớ, kết nối thông tin đáng để trải nghiệm hơn nhiều. Còn những thông tin phạm vi rộng, thì có thể tự do đọc, tìm kiếm ngoài giờ học, nó không cần thiết phải làm trong giờ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất là “sự đầu tư nội dung để điện thoại có thể khai thác”. Nay công nghệ phát triển khiến “lớp học phải thông minh”, tôi đồng ý, nhưng tôi đang phải đối mặt với “sự thông minh trống rỗng”, khi kho dữ liệu dùng cho giảng dạy không hề được đầu tư.

Từ nội dung bài học, hoạt động đến các sản phẩm để giáo viên, học sinh khai thác có bao nhiêu thí nghiệm ảo đã được thiết kế, nghiệm thu? Có bao trích đoạn tư liệu để có thể làm tình huống trong giờ Văn, giờ Sử? Có bao nhiêu tình huống toán học được minh họa, được thiết kế lại với sự hỗ trợ của công nghệ...? Có bao nhiêu ngân hàng các câu hỏi đánh giá chẩn đoán, test nhanh... phục vụ đánh giá quá trình? Bao nhiêu chương trình dạy học được xây dựng...?

Điện thoại thông minh có thể có ích với mọi người, nhưng sẽ không có ích với những người không biết dùng nó hoặc ngay cả khi nó chẳng chứa, chẳng kết nối với những tiện ích thông minh. Và khi đó, việc dùng nó sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, mà rất có thể, nó sẽ là “cục gạch” để sát thương đến cả tâm hồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Không có chuyện S-400 đến Kiev'

GD&TĐ - Theo Forbes, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều vừa tái khẳng định, không có chuyện họ gửi những hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 cho Ukraine.
Minh họa/INT

Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.