Trăn trở vì sự nghiệp “trồng người”, thầy Lê Thanh Long - Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Hoàng Long (Hà Nội) luôn đau đáu xây dựng thương hiệu Hoàng Long trở thành ngôi trường hạnh phúc với học sinh. Đồng thời, thúc đẩy khát vọng tiên phong, vươn tầm, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
“Học sinh đến trường không chỉ là để tiếp nhận tri thức, để vượt qua những kì thi mà cốt yếu là để vượt qua chính mình, để tự công nhận mình, để mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân, các bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Là một người lãnh đạo, tôi phải xứng đáng là tấm gương cống hiến hết mình vì học sinh thân yêu. Không bỏ lại bất cứ học sinh nào. Mỗi đứa trẻ là một viên kim cương thô đầy giá trị cần được mài giũa, khai phá và phát hiện những tiềm năng, những khả năng vô hạn…”, thầy Lê Thanh Long nhấn mạnh.
Xây dựng ngôi trường hạnh phúc
Với vai trò thuyền trưởng chèo lái con thuyền Trường THPT Hoàng Long (Hoàng Long HanoiTokyo), những năm qua, thầy Lê Thanh Long cùng bao thế hệ thầy trò gây dựng thương hiệu Hoàng Long hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây là mỗi thành viên không ngừng say mê, phấn đấu, đốt cháy ngọn lửa nhiệt huyết trên con đường giáo dục để cống hiến các giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Tâm đắc với câu nói của nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward rằng “tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm”, thầy Lê Thanh Long bày tỏ cảm hứng chính là tâm huyết của người lãnh đạo với lĩnh vực quản lý.
Cụ thể hơn, người lãnh đạo phải hi sinh thời gian, sức lực tuổi trẻ để cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Người đứng đầu cũng phải tinh tế khi trao cơ hội làm chủ cho người trẻ, đồng thời ươm mầm những tài năng xuất chúng. “Để khi đất nước rung chuông, học sinh sẵn sàng xông pha và bứt phá mọi giới hạn”, thầy Lê Thành Long tâm niệm.
Đơn cử tại Trường Hoàng Long HanoiTokyo, thầy cô tạo ra một môi trường học tập, rèn luyện theo phong cách Nhật Bản. Mỗi ngày, học sinh đều cảm thấy hứng khởi, hạnh phúc khi được tham gia hành trình chinh phục kiến thức. Ở đây, thầy cô đóng vai trò là người đồng hành, thúc đẩy ý chí của học sinh, không gượng ép, giáo điều, tự học trò sẽ khám phá, chinh phục tri thức.
Thầy Lê Thanh Long - Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Hoàng Long cùng đồng nghiệp và học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới. |
Chẳng hạn, để chinh phục tiếng Nhật, giáo viên sẽ đồng hành cùng học trò trong khám phá văn hoá, con người xứ sở mặt trời mọc thông qua câu chuyện, bài học, hình ảnh, video. Đó có thể là bài học về sự nhẫn nại dẫn tới thành công, có thể là một tấm gương truyền cảm hứng của một người nổi tiếng.
Theo đó, học sinh sẽ có thầy cô ở bên trên con thuyền hướng tới bến bờ tri thức. Ở hành trình đó, các em không đơn độc, mà sẽ có những định hướng, chỉ dẫn, gợi ý thiết thực.
Tầm nhìn chiến lược, vượt qua thử thách
Theo thầy Long, “dụng nhân như dụng mộc”, người giỏi nhất chưa chắc đã là người làm tốt nhất. Do vậy, thầy luôn trao cơ hội, tạo điều kiện để nhân viên phát huy sở trường và năng lực của mình. Khi được tin tưởng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm, những sáng kiến, giá trị sẽ được tạo ra.
Với tầm nhìn đó, Trường Hoàng Long HanoiTokyo vinh dự đứng trong top 50 của khối THPT tại Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, trường đã đạt chuẩn hệ thống đào tạo song ngữ quốc tế, xây dựng nền tảng cho học sinh trở thành những công dân số toàn cầu.
“Với triết lí giáo dục nhân văn, không bỏ lại bất cứ học sinh nào, người học là trung tâm của giáo dục, những phương pháp, cách thức truyền thụ luôn được chú trọng hoàn thiện, phân chia phù hợp từng học sinh. Để học sinh thực sự hạnh phúc, hứng thú với kiến thức, các thầy cô đồng hành cùng học trò trong xây dựng chiến thuật học tập, ôn luyện hiệu quả ngay từ những bài học đầu tiên...”, thầy Long cho hay.
Thầy Lê Thanh Long - Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Hoàng Long (thứ 4 từ phải sang trái) chúc mừng đồng nghiệp sau khi kết thúc chuyên đề. |
Thầy Long đánh giá, mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người có đủ đức, đủ tài để xây đắp tương lai. Tuy nhiên mỗi người có một sự phát triển riêng biệt do nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động, biến thiên phức tạp, do vậy vai trò định hướng của thầy cô rất quan trọng. Nhìn rộng hơn, vai trò của “người cầm lái”, tức lãnh đạo nhà trường càng quan trọng.
Cụ thể, từng cá nhân học sinh phải được trui rèn trong khuôn khổ nhưng không cảm thấy quá áp lực dẫn tới chống đối. Cũng theo chủ tịch hội đồng trường, văn hoá nhà trường quyết định đến việc các thành viên cùng tập trung vào mục tiêu, cam kết và nỗ lực hành động cho mục tiêu đó. Bởi vậy, thầy Lê Thanh Long luôn khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên.
Qua đó, giáo viên được chia sẻ, bày tỏ và hỗ trợ giải quyết khó khăn từ đồng nghiệp, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)… Ngoài ra, một nhà trường có văn hóa tích cực sẽ luôn tạo điều kiện cho mọi người từ đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên đến các em học sinh được thể hiện và phát huy tối đa tài năng và trí tuệ của mình.
Dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo, tổ công đoàn Trường Hoàng Long HanoiTokyo luôn đóng vai trò “tổ ấm” trong xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường. Không chỉ quan tâm đến không chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng mà còn là đời sống công nhân viên.
“Tất cả những điều này đã giúp cho chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao, đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường…”, thầy Long nêu rõ.