Khi kiểm lâm tháo chạy

GD&TĐ - Kiểm lâm “tháo chạy” không phải vì bị lâm tặc rượt đuổi mà chạy khỏi ngành vì đồng lương không đủ sống.

Thống kê của tỉnh Đắk Nông cho biết, trong 5 năm từ 2016 - 2021 đã có 48 cán bộ giữ rừng tại tỉnh này xin nghỉ việc. Hiện ở địa phương này mới đáp ứng 70% nhu cầu biên chế viên chức kiểm lâm.

Đắk Nông, cũng như các tỉnh Tây Nguyên còn lại - là những nơi được xem như “tấm thẻ căn cước cuối cùng” về rừng ở nước ta, thế mà những người từng sống chết với rừng, giờ lại quay lưng thì kể cũng lạ thật.

Còn nhớ, có một thời gian khá dài, hễ ai xin vào được ngành kiểm lâm thì được xem như một đặc ân. Ngạch bậc để xếp lương cho kiểm lâm thời ấy cũng như hiện nay, nghĩa là không phải dạng “ưu tiên” gì nhiều, song vì sao nhiều người lại lao vào để kiếm một suất ở đó? Thế mà bây giờ thì nhiều người lại “tháo chạy” khỏi ngành, có địa phương tuyển mãi chẳng đủ người để giữ rừng. Có điều gì bất thường ở chỗ này chăng?

Để trả lời câu hỏi trên, cũng cần phải “mổ xẻ” một chút về hiện trạng của rừng và đội ngũ những người giữ rừng hiện thời. Trừ một số nơi được xem là “rừng đặc dụng” hoặc khu bảo tồn thiên nhiên được canh phòng cẩn mật, đa số còn lại được gọi là “rừng” chỉ tồn tại trên giấy mà thôi.

Thậm chí, ở một số khu bảo tồn thiên nhiên hoặc rừng đặc dụng đã bị lâm tặc “hút” cho rỗng ruột. Các loại gỗ quý hiếm lần lượt bị triệt hạ để chui vào nhà các đại gia hoặc gia đình các quan chức biến chất.

Để những cánh rừng nguyên sinh lần lượt “xuống tóc” như thế, không thể không nói đến trách nhiệm của những người được Nhà nước giao cho nhiệm vụ giữ rừng, tức đội ngũ kiểm lâm. Cứ lâu lâu là có một vụ phá rừng lớn ở Tây Nguyên được phanh phui và bị khởi tố.

Đối tượng phá rừng bị bắt giữ không chỉ là lâm tặc mà có cả lực lượng kiểm lâm nữa. Nếu không có sự tiếp tay của lực lượng giữ rừng thì sẽ không có những vụ phá rừng mà số gỗ phải tính hàng trăm, hàng nghìn khối.

Gỗ mang từ rừng già ra tập kết ở các lòng hồ rồi có xe ủi mở đường vào chở ra. Gỗ đi qua đủ các loại trạm kiểm tra kiểm soát chứ không phải cây kim sợi chỉ gì, ấy thế mà vẫn đi qua trót lọt. Lực lượng kiểm lâm không thể nói “không biết” trong những trường hợp như vậy.

Ở một phía khác, cũng cần nhìn nhận một thực tế bất hợp lý này: Mỗi kiểm lâm viên được giao cai quản 400 hecta rừng để mỗi tháng nhận về khoảng trên 5 triệu đồng lương. Thu nhập quá bèo bọt, lại phải cai quản một diện tích “khổng lồ” như vậy buộc những người giữ rừng đứng trước sự chọn lựa, hoặc liên kết với lâm tặc để “tăng thu nhập”, hoặc từ bỏ nhiệm sở nếu muốn giữ mình trong sạch hoặc tránh một kết cục buồn là phải vào tù nếu bị phát hiện bảo kê cho lâm tặc phá rừng. Nhiều người chọn cái cách… tháo chạy là vì vậy.

Xử phạt nghiêm những ai bảo kê cho lâm tặc nhưng cũng phải cho lực lượng giữ rừng một chế độ ưu đãi nào đó để họ tồn tại chứ không thể để họ sống bằng những đồng lương còm như thế mãi được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ