Có hay không tình “thầy trò” trong Truyền hình thực tế?
Nhắc đến “Thầy” và “Trò” người ta vốn chỉ mường tượng và hình dung ra nó chỉ có ở môi trường học đường, nơi mà người thầy đem con chữ, kiến thức truyền đạt cho những học trò yêu thương của mình. Mối quan hệ đó thân thương và thiêng liêng không vụ lợi và cũng chẳng tính toán. Nhưng chữ “thầy trò” khi được đem vào một sân chơi của truyền hình thực tế thì nó lại có quá nhiều điều để nói...
Vài ba năm trở lại đây khi những chương trình truyền hình thực tế có giám khảo, có người hướng dẫn đặc biệt là huấn luyện viên. Thì bỗng dưng hình ảnh người thầy và học trò đã được vô tư đưa vào cuộc chơi, được vô tư “tôn thờ” và cũng được vô tư “giáo dục hóa” lồng ghép trong một cuộc chơi.
Điển hình là chương trình “Giọng hát Việt” có format thí sinh dự thi có sự kèm cặp của chính giám khảo hay nói cách khác là huấn luyện viên. Và để làm đẹp mối quan hệ này họ những người tham gia, và kể cả báo chí truyền thông cũng khá ưu ái đặt tên “thầy và trò”.
Mối quan hệ khi tốt đẹp họ cùng cười, cùng khóc, cùng vui chơi và cùng chia sẻ những buổi biểu diễn và những ca khúc hay. Và khi đẹp đẽ họ cùng tôn vinh nhau với nhưng lời đẹp đẽ rằng “thần tượng” này, “ngôi sao” nọ với những hứa hẹn vô tư không kiểm soát.
Và không thể không kể mối quan hệ này đã làm đẹp hình ảnh cả hai phía, chúng ta đã từng thấy ca sĩ Thu Minh được ví như Diva khi sở hữu và “thị phạm” nhiều giọng ca cá tính, và hơn hết học trò của cô trở thành quán quân của một mùa giải.
Và chúng ta cũng thấy hình ảnh của Hồ Ngọc Hà đẳng cấp hơn, chất lượng hơn và được chuyên môn đánh giá cao hơn khi đóng vai “một cô giáo” trong một cuộc chơi truyền hình thực tế. Hay chính Thu Phương hình ảnh ngày trở về đẹp hơn, nhiều khán giả đón nhận hơn và cũng ồn ào đắt show hơn.
Thu Phương gặp rắc rối với hàng loạt học trò. |
Ở chiều ngược lại những cái tên như Trúc Nhân, Đinh Hương, Hương Tràm… hay mới đây là Đức Phúc cũng nhờ chính những người “thầy” của mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, rất nhiều sự hướng dẫn mà đưa họ đến thành công. Đúng là học trò thành công thì thầy “nở mặt”, học trò giỏi thì vị thế của người thầy cũng sẽ lên cao.
Nhưng nó chỉ đúng khi cơm lành canh ngọt, bởi sau hậu trường hay nói cách khác là sau những bề nổi tốt đẹp ấy lại bộc lộ khá nhiều những điều khó coi, đã làm chữ “thầy” và “trò” mất đi tính đẹp đẽ đó. Trong một cuộc chơi truyền hình thực tế mọi sự giúp đỡ có thể là vô tư, có thể là tính toán chiến lược.
Mọi tình cảm có thể là thật và đôi lúc là giả nhưng có điều đây là cuộc chơi của một sân chơi truyền hình thì mọi sự lạm dụng ý nghĩa giữa thầy và trò nếu có toan tính đều không chấp nhận được. Và hãy nên trả lại chữ “thầy” và “trò” về đúng môi trường đẹp và trong sáng của nó, đừng “mượn” một cách tùy tiện.
Khi học trò ngày một hỗn hào
Chỉ trong vòng vài ngày, khi những sóng gió chưa kịp kết thúc với cô học trò ca nương Kiều Anh. Ca sĩ, huấn luyện viên Thu Phương lại tiếp tục hứng chịu những “đòn phản” của chính những cô học trò “hư” và có phần “hỗn hào” của mình.
Một ca sĩ trẻ cá tính Kimmes lăn lộn trên dưới 10 năm trong đời sống âm nhạc, có cá tính nhưng chưa thể bứt phá tìm đến cuộc chơi “Giọng hát Việt 2015” bỗng lên mạng xã hội tố thầy là “kẻ hai mặt”... Không cần biết sau hậu trường có những gì uẩn khúc nhưng với một hành động của một cô học trò tuổi đã trưởng thành và có nhận thức thì đây có thể coi là một hành động vô lễ với người lớn.
Hương Tràm ứng xử kém với HLV Thu Minh. |
Rồi lại một cô học trò nữa được đà “té nước theo mưa” cũng lên mạng xã hội chỉ trích thày với cách xưng hô “tôi, chị” một cách thiếu tôn trọng. Một hành động mà nhiều người cho rằng một học trò ngoan và thông minh không bao giờ làm.
Đây không phải những trường hợp duy nhất của chương trình này mà ngay mùa giải đầu tiên - quán quân Hương Tràm cũng một bước quay đầu phủ nhận công ơn của chính vị huấn luyện viên của mình. Hương Tràm tự tin cho rằng mình đủ khả năng chiến thắng mà không cần sự dẫn dắt của chính Thu Minh, và thậm chí còn tố chính huấn luyện viên của mình lợi dụng hình ảnh của mình để nâng cao vị thế.
Sự “hỗn hào” của Hương Tràm, Kimmes, Yến Tattoo… hay một vài gương mặt giấu tên chưa kịp bộc lộ khác, chưa biết con đường thành công đến đâu nhưng mọi sự vô ơn đều bị đánh giá là kém cỏi. Chưa kể chuyện trò “phản” thầy, thì chắc gì đối tác tin tưởng để làm việc cùng khi họ cũng lo rằng một ngày nào đó chính họ quay lại “đá” mình.
Sẽ ra sao nếu chỉ trông đợi vào lời hứa?
Điểm qua những lời “tố thầy” của các cô học trò có cái tôi quá lớn này, có thể thấy họ thấy vọng vì chưa nhận được lời hứa giúp đỡ của chính huấn luyện viên, người thầy của họ. Tuy nhiên lại không đủ thông minh để hiểu rằng đằng sau cuộc chơi của truyền hình thực tế, thì mọi lời hứa chỉ là lời nói đâu kèm với trách nhiệm.
Với format của “Giọng hát Việt” thì chính giám khảo là huấn luyện viên, họ có quyền lựa chọn thí sinh hoặc phải thể hiện những lời hay ý đẹp để chinh phục thí sinh lựa chọn lại mình. Trong những phút cao hứng có thể rất nhiều điều hứa hẹn như trải thảm đỏ với thí sinh, nhưng thực tế đó chỉ là trong khuôn khổ cuộc thi với cam kết hỗ trợ của nhà sản xuất chương trình.
Còn khi ra khỏi chương trình thì mối quan hệ sẽ đi theo hướng khác. Chưa kể đây là những tên tuổi lớn, nhiều show diễn và lịch làm việc kín thì những lời hứa đó thực hiện luôn là điều không thể, không chỉ là một mà là rất nhiều học trò.
Vậy cứ ngồi chờ sự giúp đỡ mà quên đi tự mình vận động đã là sự tụt lùi. Và khi chưa nhận được sự giúp đỡ đã vội vàng lên tiếng “tố” thầy thì lại là một hành động kém cỏi. Những gương mặt bước ra sau mỗi cuộc thi thì hãy cứ vận động đi - kết quả nằm ở phía trước. Mọi ngôi sao thành công đều có quá trình học hỏi và phấn đấu chứ không thể trông chờ sự giúp đỡ của bất cứ ai.