Khi họa sĩ vẽ 'linh hồn' thiên nhiên vạn vật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không phải mô tả, cũng không hẳn kể chuyện – người họa sĩ đã nắm bắt được tinh thần vạn vật, để vẽ phần 'linh hồn' của thiên nhiên.

Triển lãm trưng bày gần 40 tác phẩm trừu tượng.
Triển lãm trưng bày gần 40 tác phẩm trừu tượng.

Gần 40 tác phẩm trong triển lãm cá nhân “Khúc ca thiên nhiên” là thành quả của một quá trình dài sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Dương. Triển lãm khai mạc vào chiều tối 22/7, tại Hakio Let’s Art (TPHCM).

Những bức họa giải phóng khỏi ý thức

Họa sĩ Nguyễn Dương gắn bó với hình ảnh cửa biển nơi quê nhà Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Tuy nhiên, anh luôn muốn đi tìm cái tinh thần của sự vật, hiện tượng nên lựa chọn ngôn ngữ trừu tượng trong hoạt động nghệ thuật.

Bởi vì khi vẽ biểu hình, rất có thể người vẽ và cả người xem sẽ bị cái thực tại - hình ảnh bên ngoài chi phối nhiều về ý và hình. Trong khi trừu tượng thì ít bị chi phối, dễ tập trung vào cảm xúc tức thì bên trong.

Trên họa đàn, giới mộ điệu biết đến Nguyễn Dương trong vai trò họa sĩ trừu tượng qua các triển lãm cá nhân. Gần đây nhất là triển lãm “Mặc khải” với loạt tác phẩm biểu đạt sự khoáng đạt, bay bổng đầy mộng mị qua sự phô diễn của màu sắc, bố cục, trầm mà không tĩnh nơi bao la biển cả.

Nguyễn Dương có gần 20 năm theo đuổi, đôi khi kết hợp giữa biểu hiện và trừu tượng (abstract expressionism). Gần đây chất trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction) được anh khai thác nhiều hơn. Tốc độ vẽ nhanh và sự tĩnh tâm, lược bỏ phác thảo và bỏ qua sự chuẩn bị ý tưởng, khiến các tác phẩm như được giải phóng khỏi ý thức để tự định hình.

Ra mắt công chúng phương Nam bằng triển lãm cá nhân “Khúc ca thiên nhiên”, Nguyễn Dương chia sẻ rằng: “Gần 40 tác phẩm triển lãm lần này là thành quả của một quá trình dài sáng tác nghệ thuật đầy nỗ lực, nhưng không hề gò bó. Mọi thứ được sắp đặt rất tự nhiên, chứa đựng nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống”.

Nguyễn Dương thường quan sát rất kĩ hiện thực xung quanh, rồi đặt ra câu hỏi: Nó đang diễn ra và bị chi phối như thế nào? Với anh, có lẽ một bức tranh trừu tượng được hoàn thành là khi nó giữ nguyên được cảm xúc của bản thân về tinh thần của sự vật, hiện tượng lúc ấy. Còn về bề mặt tác phẩm, nó phải có được chiều sâu của không gian, rõ nét về nhịp điệu và cấu trúc, rõ nét về những va đập của màu sắc hoặc vật chất.

Nguyễn Dương cho rằng, sự giống nhau giữa nghệ thuật biểu hình và trừu tượng là vẫn luôn cố gắng giải quyết những vấn đề thuộc cấu trúc của không gian một cách hợp lý, để tạo ra trạng thái cho bức tranh. Nhưng với tranh trừu tượng, có lẽ họa sĩ được tự do nhiều hơn trong diễn đạt, trong việc ghép nối các không gian và cấu trúc khác nhau để tạo ra một hiệu ứng thị giác mạnh, khác lạ.

Chúng khơi gợi, ám ảnh mà không cần đến sự xuất hiện rõ ràng của hình thể, của ý tưởng hoặc câu chuyện. Trong nhiều tranh, Nguyễn Dương đã nắm bắt được cái tinh thần của vạn vật thiên nhiên, thay vì mô tả hoặc kể chuyện về nó.

Các tác phẩm trừu tượng như được giải phóng khỏi ý thức để tự định hình.

Các tác phẩm trừu tượng như được giải phóng khỏi ý thức để tự định hình.

“Linh hồn” không có sẵn

Họa sĩ Nguyễn Dương sinh năm 1981. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Anh từng có nhiều triển lãm ở trong và ngoài nước, được nhiều nhà sưu tập chú ý. Triển lãm cá nhân “Khúc ca thiên nhiên” kéo dài từ ngày 22 - 31/7.

Không chỉ chuyển tải “phần hồn” của thế giới trên giá vẽ, Nguyễn Dương còn sáng tác trên chất liệu gốm. Từ giá vẽ chuyển sang hình khối là sự khác biệt lớn, nên để làm chủ được chất liệu, chí ít ở mặt kỹ thuật là không đơn giản. Nhìn trong loạt tác phẩm mới từ gốm, thấy yếu tố kỹ thuật tạo hình được anh xử lý rất nhẹ nhàng.

Gốm của Nguyễn Dương, là sự tung hứng vui nhộn của màu sắc, đường nét và chi tiết - tất cả được bố cục, sắp lớp đa tầng trong tổng thể mạch lạc. Còn ở khối, hình ảnh chung là con cá bống sao – loài thủy tộc có thể phi thân, leo trèo, chạy nhảy, ngụp lặn ở lớp bùn vùng nước lợ nơi cửa biển.

Cái lý khiến Nguyễn Dương chọn hình tượng cá bống, chỉ đơn giản đó là ký ức tuổi thơ, là chốn quê hương mặn mòi. Nhưng con cá ấy chỉ giữ lại phần khối, làm vật chủ để từ đó hóa thân vào nhiều tính người khác nhau. Ở mỗi tính người, lại thêm một gửi gắm - khi cong cớn, đỏm dáng của một cô nàng mắt to môi mọng, khi lả lướt yêu đương của cặp đôi xoắn chặt…

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét: “Khi tất cả các phương tiện, cảm giác được hợp nhất để đi sâu hơn - nghệ sĩ có thể đạt được “tính không” với mọi hiện tượng. Sáng tạo lúc này không có mục đích duy nhất, nó không chỉ tạo ra sự yên bình mà thậm chí là im lặng. Trong vũ trụ, hỗn loạn đồng thời với trật tự, hiện thực đồng thời với phi lý, không có gì tốt - xấu, hoặc đúng - sai để phải giải thích”.

Khát khao những khám phá mới mà cũng vừa dằn vặt, đau đáu… Nhiều ẩn dấu trong hành trình hội họa của Nguyễn Dương, tương tự như con người của nghệ sĩ - sinh ra và lớn lên ở biển. Những ám ảnh về biển, vẻ đẹp huy hoàng hay những cơn bão đêm, ngay cả trong giấc mơ cũng thấy như đại dương muốn nuốt mình xuống đáy, vừa đáng sợ vừa kỳ thú.

Những tác phẩm trừu tượng, nhưng thực ra vô cùng dễ hiểu nếu chúng ta thưởng lãm bằng tâm tưởng cởi mở. Nghệ thuật trừu tượng không đứng ra và tuyên bố rằng nó là gì.

Thay vào đó, người xem chủ động tham gia vào một phần của bức tranh và cảm nhận. Nghệ thuật trừu tượng cho bạn sự tự do để đưa ý nghĩa của riêng mình vào trong tác phẩm. Quá trình nội tâm này thực sự làm phong phú trải nghiệm nghệ thuật.

“Linh hồn” của thiên nhiên vạn vật, nếu chúng ta thấy – nó không phải là hình hài có sẵn. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, là tinh thần mà người họa sĩ đã cố nắm bắt, phác họa bằng tâm thế của một nhân - sinh - giàu - cảm – xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ