(GD&TĐ) - Nạn thất học trong thanh thiếu niên tăng cao, nhiều người trẻ tuổi thiếu việc làm cùng với sự đe dọa của chủ nghĩa cực đoan đã biến việc tiếp cận với trường học trở thành một “vấn đề an ninh” – bà Irina Bokova – Tổng giám đốc UNESCO nói.
Cục diện thay đổi
Theo bà Bokova, hiện có 108 triệu trẻ em thất học khi lời cam kết trên được đưa ra, nhưng con số gần đây nhất cho thấy số trẻ em này đã giảm còn 57 triệu.
“Nếu có chiến dịch đúng đắn được thực hiện và bạn để tâm vào những gì bạn làm thì mọi thứ có thể thay đổi. Ở Afghanistan, năm 2000 chỉ có 4% bé gái có mặt tại trường học, hiện tại đã tăng lên 70%” – bà Bokova nói.
Một thay đổi tích cực nữa, theo bà Bokova, là có một sự công nhận mạnh mẽ về tầm quan trọng của chất lượng GD nhiều hơn là chỉ đếm đầu trẻ em tới lớp.
Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy nhiều HS có tới trường nhưng về cơ bản vẫn không biết chữ. Do đó, trong mùa thu này, UNESCO đang lên kế hoạch tạo ra một bộ số đo toàn cầu mới nhằm xem xét HS tiểu học đang thực sự học được điều gì trên thế giới. “Nó sẽ cho thế giới hiểu rằng chất lượng GD nghĩa là gì” – bà Bokova nói.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có thêm mục tiêu nữa sau năm 2015 hay không, nhưng nếu có thì sẽ tập trung nhiều hơn về chất lượng chứ không phải số lượng.
Trẻ em Pakistan ở lớp học tiếng Anh ngoài trời trong một khu ổ chuột gần Islamabad. |
Khoảng cách tài chính
Bà Bokova cho biết cuộc khủng hoảng tài chính đã giáng một đòn mạnh vào việc đạt mục tiêu phổ cập GD. Các quốc gia tài trợ đã rút lui và để lại “một khoảng cách báo động” về việc cấp tài chính.
Tại vùng tiểu Sahara, châu Phi, hiện vẫn đang thiếu 1,7 triệu GV. Tuy nhiên, bà Bokova nói rằng khủng hoảng tài chính đã tạo ra một tầm quan trọng về chính trị mang tính “nghịch lý”. Thanh niên thất nghiệp là một mối đe dọa lớn ở nhiều quốc gia và GD-ĐT được xem là những đầu tư quan trọng.
“Giáo dục, trong một số trường hợp, đang trở thành vấn đề an ninh” – bà Bokova nói và dẫn ra các ví dụ như ở Afghanistan, Iraq và khắp Trung Đông – nơi có một áp lực rất lớn trong việc phải phát triển GD nhằm thúc đẩy sự ổn định, dân chủ và tránh chủ nghĩa cực đoan. Điều này cũng đúng ngay cả với các cường quốc mới nổi. Tại Brazil, chính phủ đã coi hệ thống GD là một trong những thách thức lớn nhất khi tiến tới nền kinh tế cạnh tranh và một xã hội hợp quần”.
Căng thẳng xã hội về bất bình đẳng ngày càng sâu sắc và thiếu sự dịch chuyển xã hội (là khái niệm xã hội học dùng để chỉ sự chuyển động của những cá nhân, gia đình, nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội) là những yếu tố chịu tác động bởi các quyết định đối với hệ thống GD.
Sự ổn định kinh tế và xã hội hiện gắn bó chặt chẽ với cải thiện giáo dục – Giám đốc UNESCO cho biết – “giáo dục đang trở thành vấn đề chính yếu trong các cuộc thảo luận về vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, làm sao chúng ta hiện thực hóa được điều này? Các ngân sách và hỗ trợ quốc tế đang chìm xuống. Chúng ta phải thuyết phục các quốc gia rằng nếu họ muốn đầu tư để thoát khỏi khủng hoảng thì hãy đầu tư vào GD”.
Các quốc gia có số trẻ em bỏ học nhiều nhất thế giới: Nigeria – Pakistan – Ethiopia - Ấn Độ - Philippines – Burkina Faso – Kenya – Niger – Yemen – Mali. Nguồn: UNESCO |
Minh Hải (Theo BBC)