Nỗi sợ thậm chí biến thành ám ảnh và bạo lực. Lynn Bufka - Giám đốc Chương trình hồi phục tại Hội Tâm lý Mỹ nói: “Lo lắng thái quá sẽ dẫn đến lo sợ vô lý. Cuối cùng là hội chứng ám ảnh và trầm cảm”.
Tiếp xúc bằng mắt
Nếu phải ở nhà để giãn cách xã hội thì bạn chỉ có thể nhìn thấy các đồng nghiệp, người bán hàng và người thân qua màn hình máy tính hay công cụ di động. Jane Webber - trợ giảng giáo dục tâm lý tại Đại học Kean (New Jersey, Mỹ) nói: “Trong tương lai dù không cần khẩu trang bạn vẫn sợ phải nhìn thẳng vào mặt người khác.
Nhìn nhanh vào mắt và nở nụ cười mỉm kiểu Mona Lisa sẽ được nhiều người áp dụng. Thái độ này phản lại lời khuyên là nên nhìn thẳng vào mắt người đối diện để bày tỏ sự tôn trọng họ khi nói chuyện, vì nhìn vào mắt là cách dễ nhất để tự giới thiệu hay giới thiệu lại mình”.
Đám đông
Đám đông luôn là môi trường của niềm vui và cơ hội xác lập những mối quan hệ mới. Trên xe điện ngầm, tại sân vận động, trên sân khấu, tại lễ hội, đám đông được xem là một biểu tượng không thể thiếu.
Nhưng đại dịch đã đẩy chúng ta xa dần niềm vui của sự đông đúc. Cho dù có vắc-xin, tâm lý sợ đám đông sẽ còn kéo dài. Ngồi chung xe khách, xe lửa, vào siêu thị, trên máy bay hiện là nỗi lo mới của nhiều người.
“Chúng ta sẽ luôn tự hỏi, khoảng trống bảo vệ xung quanh đã đủ an toàn chưa? Có ai sắp ho hay hắt hơi vào mặt mình? Chiến thuật tự bảo vệ là dùng túi xách, xe đẩy, cánh tay, cẳng chân hay món gì đó mang theo làm vật cản! Chúng ta luôn nhìn những người không mang khẩu trang với đôi mắt lo lắng như nhìn một mầm bệnh” - Webber nhận định và khuyên bạn hãy thận trọng khi tạo sự an toàn cho mình.
Nên khéo léo nếu không muốn bị phản ứng tiêu cực, thù địch.
Bắt tay và ôm hôn
Trong những ngày đầu đại dịch Covid-19, bắt tay và ôm hôn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận về nguy cơ lây lan virus. Nay, nhiều người đã quen với việc không bắt tay và ôm, kể cả các chính trị gia cấp cao.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh lây và Dị ứng quốc gia Mỹ là người ủng hộ yêu cầu loại bỏ cái bắt tay và ôm hôn truyền thống vì virus có thể chuyển sang nhau. “Việc một người đưa tay ra nhưng không được bắt hay rụt tay lại khi có ai muốn bắt tay mình đã trở chuyện bình thường. Không ai cảm thấy bị xúc phạm.
Nên thay thế bằng cái chạm khuỷu tay hoặc cái cúi đầu để cho người kia biết bạn vẫn tôn trọng họ và đang bảo vệ họ” - Webber nói – “Hành động ôm còn gây lo lắng nhiều hơn nên hầu như không còn nữa. Thay thế bằng cách vươn hai tay ra tự ôm mình và vỗ vào hai vai để gửi đi tín hiệu ấm nồng”.
Đắn đo khi nhận được cái hẹn
Trong thời đại dịch, tâm lý của chúng ta là rất đắn đo và suy nghĩ khi được ai đó mời gặp. Chúng ta không biết nên phản ứng thế nào, nhất là với người chưa quen. Giải pháp tốt nhất theo Bufka là hãy thử trao đổi qua điện thoại trước (audio hoặc video) và chỉ đồng ý gặp mặt nếu thật sự cần thiết.
Ngại xác lập những quan hệ thân mật mới
Đại dịch đã khiến cho những mối quan hệ mới và hẹn hò trai gái trở thành khó khăn hơn và đáng lo hơn là vui mừng, trừ hẹn hò trên mạng. Những câu hỏi được đặt ra cho cả hai bên là có mang mầm bệnh không, đã tiêm vắc-xin chưa và có tuân thủ các nguyên tắc an toàn? Không ai muốn tiếp xúc với những người xem thường dịch bệnh, bất cẩn và thiếu hiểu biết các biện pháp phòng ngừa bệnh.
Bufka khuyến cáo những người định xác lập quan hệ yêu đương mới nên biết rõ suy nghĩ của đối tượng về dịch bệnh qua điện thoại để tránh tối đa các nguy cơ. “Hôn và ôm vội vàng là tự chuốc họa vào thân”.
Chia sẻ không gian chung
Bạn đang ngồi trên một chiếc ghế ở công viên hay siêu thị và bỗng cảm thấy bất an khi có người khác đến ngồi chung với bạn. Bỏ đi thì bất nhã nhưng ngồi lại thì lo lắng. Người khác cũng nghĩ về bạn như thế nếu bạn xin ngồi chung ghế với họ. “Lời khuyên là bạn hãy nói lời xin lỗi: Tôi chưa tiêm chủng và tôi muốn giữ khoảng cách” - Bufka nói.
Phương tiện đi lại…
Nếu ai đó nhờ bạn đẩy giúp ông ta chiếc xe, có lẽ bạn sẽ làm. Nhưng bạn sẽ đắn đo khi muốn chia sẻ chiếc xe hơi hay vật dụng cá nhân với người khác. Đó là chuyện thường xảy ra trong thời đại dịch.
Jacqueline Gollan, Giáo sư tâm lý và hành vi tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern University ở Chicago (Mỹ) nói: “Tốt nhất là mang theo những vật dụng khử trùng và khẩu trang cho mình. Đừng thổi phồng lên hậu quả của một quyết định mà bạn có thể quản lý được”.
Làm đẹp và dịch vụ spa
Thẩm mỹ và xoa bóp, tắm hơi là những cách để giải tỏa căng thẳng, “làm mới” tâm trạng nhưng lại luôn gây ra tâm lý lo lắng khi chúng ta đến những nơi này vào mùa đại dịch. Tốt nhất là nên chọn những địa điểm tuân thủ tốt nhất các tiêu chuẩn an toàn.
Đến cơ quan, công ty
Công sở không còn là nơi thân thiện như xưa, mà là nơi tạo ra tâm lý ngờ vực và cảnh giác nhưng chúng ta phải chấp nhận vì “cơm áo gạo tiền”. Lý do, mầm bệnh có thể ở ngay bên cạnh và ở đó trong một thời gian dài! Những cuộc tiếp xúc gần trở nên gượng gạo và không thoải mái.
Tiêm chủng vắc-xin diện rộng có thể giúp giảm tâm lý này nhưng sẽ không loại bỏ hẳn được. “Điều đáng lo nhất đối với những người sợ Covid là chiến thuật tự bảo vệ đã bị phá vỡ từng mảng khi quay lại chỗ làm. Vòng tròn an toàn khép kín không còn nữa.
Cách hóa giải là nơi làm việc phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp an toàn, phát hiện nguồn lây sớm và không để cho nhân viên nào phá vỡ luật chơi. Cảnh giác không thừa nếu phải tiếp xúc gần. Sự tự giác và tương trợ giữa các đồng nghiệp cũng hết sức cần thiết” - Ravi S. Gajendran, Chủ tịch Khoa Quản lý và lãnh đạo thuộc Đại học quốc tế Florida (Mỹ) nói.