Hội chứng ám ảnh của những nạn nhân từng bị xâm hại tình dục

"Nỗi đau giống như một củ hành, bạn cứ lột hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác và không bao giờ kết thúc", Lucy, một nạn nhân bị hiếp dâm trải lòng.

Hội chứng ám ảnh của những nạn nhân từng bị xâm hại tình dục

Sau màn biểu diễn lớn nhất sự nghiệp tại lễ hội âm nhạc New York (Mỹ), ca sĩ nhạc cổ điển 29 tuổi Lucy tỉnh dậy và không thể phát ra âm thanh nào, như thể ai đó bóp nghẹn cổ họng từ bên trong. Bác sĩ chẩn đoán nữ nghệ sĩ bị tê liệt dây thanh quản. Không thể xác định nguyên nhân, ông kết luận chấn thương này là vĩnh viễn không thể đảo ngược.

Chìm trong tuyệt vọng, Lucy xới tung mọi tạp chí y học để tìm lời giải đáp rồi vô tình bắt gặp trường hợp hai phụ nữ mất giọng nói sau khi bị hãm hiếp. Cô òa khóc. 10 năm trước, chính Lucy đã bị tấn công trong phòng ký túc xá. Nữ ca sĩ chưa bao giờ dám nói về trải nghiệm kinh hoàng ấy. Nỗi ám ảnh không mất đi mà từ từ tấn công Lucy. Cái ngày định mệnh tưởng chừng đã lùi xa giờ đây âm thầm phá hủy cuộc đời cô.

Theo Women"s Health, Lucy khi đó là sinh viên năm nhất cùng bạn tham dự một bữa tiệc. Tửu lượng khá kém nên chỉ một lon bia cũng khiến thiếu nữ 18 tuổi cảm thấy quay cuồng. Một chàng trai chủ động đề nghị đưa Lucy về. Người bạn đi cùng cho rằng điều này thật tốt nên không can thiệp. Lợi dụng lúc Lucy nửa say nửa tỉnh, gã trai kéo cô về phòng của hắn để hãm hiếp. Vài giờ sau, Lucy tỉnh dậy trong tình trạng không mảnh vải che thân. 5h sáng, cô giật lấy quần áo của mình rồi chạy về ký túc xá.

Một chuyên gia tâm lý xác định tình trạng mất giọng nói của Lucy là dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Bệnh thường xảy ra với các binh lính trở về từ chiến trường, các nghiên cứu cho thấy nạn nhân bị hiếp dâm mắc PTSD trầm trọng hơn nhiều và rất khó vượt qua. Cụ thể, tỷ lệ quân nhân bị PTSD chỉ khoảng 10-20% trong khi con số này ở nạn nhân các vụ tấn công tình dục là 70%.

Hoi chung am anh cua nhung nan nhan tung bi xam hai tinh duc - Anh 1

Ảnh: Women"s Health.

PTSD dưới dạng ác mộng, hồi tưởng, cảm giác tội lỗi và tủi nhục có thể xuất hiện ngay hoặc nhiều năm sau khi trải qua sự kiện gây sốc. Đôi khi, nó thể hiện ra bằng các vấn đề thể chất như đau mạn tính, các vấn đề đường ruột, chuột rút cơ bắp hoặc mất giọng như Lucy. Các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tuần với 94% nạn nhân và hàng thập kỷ đối với 50% người bị hãm hiếp. Các nhà khoa học Đức còn phát hiện một phần ba phụ nữ bị lạm dụng tình dục trong Thế chiến thứ hai vẫn bị ảnh hưởng bởi PTSD sau gần 70 năm. Bên cạnh đó, PTSD liên quan đến bệnh tim mạch, đau hoặc xơ cứng cơ cùng hàng loạt vấn đề về trí nhớ. 30% nạn nhân rơi vào trầm cảm hoặc tìm đến rượu, ma túy như phương thức an ủi, khiến nguy cơ bị hãm hiếp lần nữa tăng cao.

Bất cứ chấn thương nào cũng có thể dẫn đến PTSD, nhưng tấn công tình dục là nguyên nhân đặc biệt nghiêm trọng. Hiếp dâm phá hủy niềm vui và sự kết nối mà sex đáng ra nên đem lại. Nó bóp vỡ niềm tin của nạn nhân trong tất cả mối quan hệ, bẻ gãy mối liên kết với bạn bè cùng gia đình. Tồi tệ hơn, 75% nạn nhân bị hiếp dâm do người mình quen biết.

Xem thêm: Nghẹn ngào với câu chuyện về chàng trai bị hội chứng "hóa đá"

"Tôi cảm giác như chính bản thân gây ra chuyện đó", Lucy nhớ lại cảm giác khi chia sẻ và bị bạn bè kết tội. Tiến sĩ tâm lý học Patricia Resick từ Đại học Duke cho biết tự đổ lỗi là phản ứng chung của các nạn nhân và khiến PTSD thêm trầm trọng. Một công trình gần đây chỉ ra 62% sinh viên bị hãm hiếp tự trách mình và 52% nói rằng kẻ tấn công họ "không có lỗi". Xã hội cũng cổ súy cho tư tưởng này khi thường xuyên đặt ra những câu hỏi như "cô ta nghĩ gì mà mặc váy ngắn như vậy".

"Chúng ta dễ nghĩ nạn nhân đã làm gì sai hơn là nhìn thẳng vào sự thật rằng người đàn ông mình quen biết có thể trở thành kẻ hiếp dâm hoặc bản thân chúng ta có thể bị hãm hiếp một ngày nào đó", tiến sĩ tâm lý học Heidi Zinzow từ Đại học Clemson nhận định. Thói quen kết tội này ngăn cản nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ rồi chìm trong nhục nhã, đau khổ. Cựu nhà báo Joanna Connors 63 tuổi sau 30 năm bị tấn công tình dục vẫn vật lộn với nỗi ám ảnh đến mức tự giật tóc.

Mặc dù khó khăn, bệnh nhân PTSD vẫn có cơ hội hồi phục sau một vài năm hay hàng thập kỷ. Gặp gỡ một chuyên gia sẽ làm giảm tổn thương về mặt tâm lý và thể chất song tốt nhất nên tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi cảm thấy cần thiết. Thậm chí, chỉ chia sẻ với một người đáng tin cậy cũng hỗ trợ rất nhiều quá trình điều trị. Các nghiên cứu đã chứng minh nạn nhân bị hiếp dâm sẽ giảm nguy cơ bị PTSD nếu được gia đình, bạn bè ở bên.

Lucy trải qua 3 năm điều trị tích cực đã lấy lại giọng nói và chứng minh vị bác sĩ ngày trước đã nhận định sai lầm. "Nỗi đau giống như một củ hành, bạn cứ lột hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác và không bao giờ kết thúc", Lucy nói. "Thế nhưng, nó không quyết định việc bạn là ai".

Theo SKCĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.