(GD&TĐ) - Ở thời điểm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) kết luận việc “ngành Giáo dục và đào tạo cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, trước hết là đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý từ năm học 2010 - 2011, Bộ GD&ĐT đã đặt yêu cầu đổi mới công tác quản lý làm nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Một tín hiệu đáng vui mừng qua thâm nhập thực tế ở cơ sở, đó là hiệu lực cũng như hiệu quả của đổi mới công tác quản lý giáo dục sau 3 năm đã đi vào chiều sâu.
“Chẩn bệnh, kê toa” trong quản lý
Ai cũng biết giáo dục là lĩnh vực rộng lớn, gian nan, đòi hỏi người cán bộ quản lý (CBQL) không chỉ có kiến thức sâu rộng, nắm được khoa học, mà còn phải có cả nghệ thuật trong điều hành hoạt động thì mới mang lại hiệu quả cao. Trong thực tế, mặc dù chủ trương đổi mới được triển khai rộng khắp tới mọi đơn vị GD, trường học, nhưng hiệu quả lại không đều khắp. Yếu tố quyết định sự chuyển biến về năng lực người CBQL lại chính là trình độ thẩm thấu, tiếp cận cái mới. Xin được đơn cử một vài ví dụ. Cùng một chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường học, người CBQL có năng lực sẽ biết điều hành, giám sát việc thực hiện như thế nào cho phù hợp để hỗ trợ cho đổi mới PP dạy và học. Nhưng do tầm nhìn và năng lực hạn chế, không ít người đã rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, thực hiện theo kiểu hình thức, đối phó. Lại có một số rơi vào tình trạng duy ý chí, buộc tất cả mọi thành viên trong nhà trường phải ứng dụng CNTT, soạn giảng bằng giáo án điện tử bất cứ lúc nào.
Bệnh hành chính công vụ, trên bảo đâu, dưới làm đó mà không nghiên cứu xem phải làm như thế nào cho phù hợp với thực tế của đơn vị mình cũng khá phổ biến. Họ chú tâm vào các cuộc hội họp, báo cáo dài dòng, có diện mà không có “điểm”. Nhìn bề ngoài, các CBQL như vậy có vẻ mẫn cán, luôn hoàn thành nhiệm vụ nhưng chất lượng công việc không mấy biến chuyển… Bệnh qua loa, đại khái, cũng là căn bệnh rất đáng được nhận diện trong tầng lớp CBQL hiện nay. Cụ thể, một hiệu trưởng hay trưởng phòng, ban lợi ngôn, “dùng mồm miệng, đỡ chân tay”, luôn lấy lòng mọi người xung quanh. Còn một căn bệnh nữa ít người bàn đến, đó là bệnh duy ý chí, thiếu linh hoạt trong những tình huống cụ thể làm ảnh hưởng chung đến tập thể.
Các lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở trước đây ở nhiều địa phương nay đã được cải thiện đáng kể về nội dung, phương pháp tổ chức. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu cao của xã hội. Sự vận dụng kiến thức đã học ở nhà trường vào thực tiễn của một bộ phận cán bộ cơ sở còn lúng túng; năng lực tổ chức chỉ đạo, khả năng điều hành hoạt động còn bộc lộ nhiều hạn chế…
Vai trò người đứng đầu có ý nghĩa quyết định
Lớp học còn ẩm ướt sau bão lũ, học sinh vẫn mừng vui chào đón cô giáo vào lớp (Trong ảnh: HS Trường THPT Trần Kỳ Phong - Quảng Ngãi) |
Qua kết quả thi đua ở các đơn vị Sở, Phòng, trường, một bằng chứng khá hiển nhiên là nơi nào có người đứng đầu nhiệt tình, năng động, có uy tín đối với tập thể thì đơn vị đó sẽ luôn gặt hái thành công. Chính việc chỉ đạo đúng hướng, sự quan tâm đúng mức của thủ trưởng, việc khen thưởng kịp thời, chính xác đúng người, đúng việc đã tạo ra động lực phấn đấu, thu hút sự tham gia của mọi thành viên trong tập thể, làm cho phong trào thi đua phát triển cả chiều rộng lẫn bề sâu.
Đơn cử một số trường hợp điển hình. Nhiều lần tới các trường học trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, chúng tôi ngạc nhiên bởi tính nhất quán cao trong điều hành, chỉ đạo hoạt động dạy và học ở các cấp học. Vào năm học 2011 - 2012, khi các cấp học, ngành học ở Quảng Trị tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thiết bị dạy học của Bộ GD&ĐT nhằm nêu cao ý thức, trách nhiệm của CBGV trong công tác bảo quản và sử dụng thiết bị thì đồng loạt các đơn vị, trường học đã triển khai thực hiện nghiêm túc từ việc thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, giải pháp về bảo quản thiết bị; quy định về nội dung sử dụng thiết bị, hoàn thiện hồ sơ bảo quản và sử dụng ở các trường. Không chỉ chú trọng việc mua sắm tủ, giá bảo quản thiết bị, mà các trường còn quan tâm tới cả phòng đựng thiết bị sắp xếp thế nào cho khoa học, đủ ánh sáng và đảm bảo vệ sinh, thuận lợi trong sử dụng. Nhiều đơn vị đã bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp phụ trách công tác thiết bị; sự phối hợp giữa công tác thiết bị và GV bộ môn chặt chẽ nên việc khai thác, sử dụng thiết bị rất hiệu quả .
Một số CB, GV ở Quảng Trị và Kon Tum cho rằng, một khi thủ trưởng của họ xứng đáng là những vị thủ lĩnh có tài cầm quân lại xuất phát từ những người thầy nhiều năm gắn bó với GD thì không có lý do gì để thất bại trên con đường đi tới mục tiêu GD.
Hiệu lực của đổi mới
Tới hầu hết các trường học ở Kon Tum, có thể thấy một sinh khí dạy và học luôn sôi động, mới mẻ, đặc biệt là việc thực hiện thí điểm mô hình trường học mới không chỉ được đội ngũ CBQL, GV ở các trường thuộc địa bàn thành phố, thị xã thuận lợi mà ngay ở các huyện miền núi khó khăn như Đăk Glei, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plông… hưởng ứng. Mặc dù liên tục trong 3 năm, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum đưa ra nhiều chủ trương mới về luân chuyển đội ngũ, dạy thêm học thêm, được coi là những vấn đề “nóng”, nhạy cảm trong ngành, nhưng vẫn tạo được sự đồng thuận cao, rất ít phát sinh đơn thư khiếu tố, khiếu nại so với một số địa phương khác trong khu vực. Mới đây, tại Lễ tổng kết cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử e-Learning do Bộ GD&ĐT tổ chức, Kon Tum có số lượng giải thưởng cao, xếp thứ ba trong các tỉnh đạt giải (chỉ sau Thái Bình, Hà Nội) được coi như bước nhảy vọt về chất lượng, đi từ sự đột phá về công tác quản lý.
Một thành công lớn trong thực hiện chủ trương đổi mới CTQL là không chỉ thể hiện ở bề mặt, ở số lượng mà mang tính chất cụ thể hóa, chi tiết, đi vào chiều sâu. Chẳng hạn, nếu như trước đây, các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Sở, của Phòng đến các trường thường mang tính chất đại trà cho mọi đối tượng thì nay ở rất nhiều nơi, thể hiện tính chất phân hóa rõ rệt. Các lớp bồi dưỡng CBQL cơ sở được tiến hành thường xuyên và đạt những thành tích đáng kể, đã tạo ra chất lượng mới cho đội ngũ. Đa số hiệu trưởng các trường phổ thông đều cho rằng, chất lượng bồi dưỡng CBQL ở các lớp học mà họ tham gia được cải thiện một cách rõ rệt.
Nếu như trước đây, chỉ những trường chuyên, trường trọng điểm chất lượng cao hay là các trường công lập thuộc bảng A mới có hiệu trưởng giỏi, thì nay, ngay cả các trường từ bán công chuyển đổi qua công lập tự chủ về tài chính cũng vẫn có hiệu trưởng giỏi. Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Quảng Trị) đã nêu lên những yêu cầu đầu tiên đối với người CBQL là phải có trí tuệ, bản lĩnh, sức lực và thời gian.
Từ sự nắm bắt chính xác thực trạng HS trong trường phần lớn là con em người dân nghèo vùng ngoại vi, mức sống thấp, BGH đã chọn điểm nhấn trong hoạt động của trường hàng năm, là đề cao tính trách nhiệm của người thầy trong GD đạo đức HS, nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ của trường đa số là hợp đồng, thỉnh giảng, nhưng do được tuyển chọn kỹ, lại được nhận mức lương thích hợp nên có sự gắn bó với trường lớp, học sinh.
Tương tự, tại Trường THPT Đakrông (Quảng Trị), một trường miền núi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều với mức sống thấp, tuy nhiên, do đội ngũ BGH nhà trường giàu tâm huyết và năng lực nên luôn tìm những giải pháp phù hợp nhất để khắc phục khó khăn, gặt hái thành quả về chất lượng mũi nhọn ngang bằng với nhiều trường ở vùng đồng bằng thuận lợi.
Nguyễn Thị Thúy