Hiệu trưởng là nhà chuyên môn hàng đầu
Trong các cơ sở giáo dục, giáo viên - giảng viên cũng là các nhà chuyên môn có xu thế tìm kiếm các biện pháp kiểm soát môi trường làm việc của mình. Nhà trường là một tổ chức của các nhà chuyên môn, họ thích quản lý bản thân mình.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc phân tích, một thời gian khá dài trong thế kỷ 20 diễn ra cuộc tranh luận về việc quản lý nhà trường theo kiểu “quan liêu” hay ứng dụng các trào lưu quản lý hiện đại đương thời như: trào lưu quan hệ con người.
Đến giữa thế kỷ, cuộc tranh luận này đã chấm dứt ở các nước tiên tiến và lan tỏa chậm hơn đến các nước đang phát triển. Mô hình quản lý nhà trường theo tính chuyên môn trở nên khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Người ta cho rằng, người đứng đầu một cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) phải là người liên kết theo phương thức cộng tác với đồng nghiệp của mình, trên cơ sở những nguyên lý và quy trình của tính nghề nghiệp chuyên môn hiện đại thay vì bằng các biện pháp quản lý hành chính quan liêu đơn thuần.
Việc ủy quyền cho các giáo viên chuyên nghiệp và các hiệu trưởng tạo ra một sự ủy quyền tổng quát cho tính chuyên môn. Quan điểm thống trị trong thời gian này cho rằng, nhà trường có thể được tổ chức và quản lý tốt nhờ một nhóm các nhà chuyên môn lành nghề.
Từ đó, người ta cho rằng Hiệu trưởng là nhà chuyên môn hàng đầu, còn việc ra quyết định dựa trên phương pháp tư vấn với sự tham gia của các giáo viên - nhà chuyên môn. Bằng cách này nó hình thành nên mô hình “Quản lý nội bộ trường học”.
Tuy vậy, theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, trước những phát triển mới trong thực tiễn cũng như lý luận quản lý ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác, các cơ quan quản lý giáo dục đã phải xem xét lại mô hình “chuyên môn” trong quản lý nhà trường. Câu hỏi đặt ra: Hiệu trưởng là nhà chuyên môn đầu đàn hay nhà quản lý cao nhất?
Cho đến những thập niên cuối của thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu quản lý giáo dục vẫn khẩn thiết yêu cầu: người hiệu trưởng trước hết và hơn hết phải là giáo viên đầu đàn rồi mới là người quản lý.
Một điều rất hiển nhiên nhưng thực tế hay bị lãng quên là, việc quản lý các nhà chuyên môn không thể đơn giản dựa trên những cấu trúc quan liêu, mà phải chấp nhận sự tinh thông nghề nghiệp của giáo viên với tư cách là những cá thể như: nhóm chuyên môn trong một thiết chế - tổ chức.
Người hiệu trưởng, tổ trưởng, chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn phải tích hợp được nhu cầu của tổ chức nhà trường và nhu cầu của người học của mình với những kỳ vọng của giáo viên.
Họ thường xuyên bị “mắc kẹt”, khó xử giữa áp lực xung đối nhau của tính chuyên môn và tính quan liêu trong hành xử công việc quản lý. Nhiều nhà nghiên cứu thiên về mô hình “Nhà chuyên môn trong tư cách nhà quản lý cao nhất. Tức là vừa là người quản lý, vừa là nhà chuyên mồn đầu đàn của nhà trường.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc |
4 khuynh hướng chính về hiệu trưởng
Thực tiễn hoạt động của các nhà trường - các cơ sở giáo dục cho thấy có 4 khuynh hướng chính quan niệm về người cán bộ quản lý giáo dục:
Thứ nhất, các hiệu trưởng chỉ muốn thực hiện vai trò là người lãnh đạo chuyên môn thay vì phải đảm đương cùng lúc hai chức năng “lãnh đạo chuyên môn” và “quản trị nhà trường”
Thứ hai, cùng với những cuộc cải cách giáo dục vào các thập niên cuối của thế kỷ 20 thì vai trò “nhà quản lý cao nhất” của hiệu trưởng chiếm ưu thế, còn vai trò “lãnh đạo chuyên môn” có thể giao cho người phó của họ phụ trách.
Tuy vậy có sự khác biệt về vấn đề này ở các cấp bậc học khác nhau, ví dụ ở bậc Tiêu học người ta vẫn cho “vai trò lãnh đạo chuyên môn” cốt yếu hơn, công việc quản lý có thể phân cấp ủy quyền cho người phó.
Với các bậc học cao hơn, nhất là trong đào tạo chuyên nghiệp vai trò “nhà quản lý cao nhất “lại là cốt yếu, do sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất và kinh doanh. Tuy vậy, định hướng chuyên môn, sư phạm trong quản lý giáo dục vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Thứ ba, các nhà trường cần xây dựng những mô hình quản lý có tính mềm dẻo, linh hoạt hơn. Vì vậy, mô hình cộng tác, hợp tác cần được hình thành và phát triển mạnh, tính năng động và sáng tạo của người hiệu trưởng phải được tăng cường. Nhờ đó, người cán bộ quản lý giáo dục vẫn đảm đương được vai trò “người lãnh đạo chuyên môn” và “người quản lý cao nhất”.
Thứ tư, mô hình nhà trường tự quản là một bước đột phá của quản lý giáo dục sang thế kỷ 21. Nó đòi hỏi người quản lý phải chuyển dịch sang phong cách nhà lãnh đạo: người hiệu trưởng phải biết hình thành và chia sẻ với thành viên về tầm nhìn của họ đối với nhà trường.
Từ đó, họ có thể ủy quyền ra quyết định cho thành viên, hay các nhóm thành viên và những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của họ. Nhờ việc ủy quyền, người hiệu trưởng có thể có đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ “lãnh đạo chuyên môn của mình.
"Với tư cách là nhà quản lý cao nhất. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm với các thực thể bên ngoài nhà trường để quản lý thành công cơ sở giáo dục của mình. Còn với tư cách là nhà chuyên môn hàng đầu, hiệu trưởng có trách nhiệm lãnh đạo tập thể giáo viên - cán bộ giảng dạy trong nhà trường.
Cùng lúc, họ phải tiến hành việc giám sát, kiểm tra, đánh giá đội ngũ chuyên môn. Đồng thời lãnh đạo tổ chức để đáp ứng những biến đổi bên ngoài phù hợp với đòi hỏi của các nhà chuyên môn trong trường" - GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc.