Khi bệnh viện là 'con nợ'!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Về cơ bản, Nghị định số 75 của Chính phủ đã 'giải tỏa' cái khó cho cả cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phát biểu tại một phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu thực tế: Hiện, nhiều bệnh viện mua hoặc mượn trang thiết bị, vật tư y tế của nhà cung cấp, doanh nghiệp để chống Covid-19, nhưng đến nay chưa thanh toán được vì vướng thủ tục.

Chủ nợ mòn mỏi chờ, con nợ thì mòn mỏi đợi hướng dẫn. Có những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, được bộ, ngành Trung ương ghi nhận, nhưng rất lâu sau vẫn chưa có kết quả thỏa đáng.

Bệnh viện nợ nần vì vướng thủ tục sau đại dịch là một trong những dẫn chứng... Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ có giải pháp về vấn đề này nhưng đến nay, các địa phương chưa nhận được hướng dẫn cụ thể...

Đây chỉ là một trong những góc nhìn về những khó khăn của ngành y tế. Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, khi phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế và sửa đổi Luật Dược tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã từng chỉ ra rằng, có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146 còn quy định chưa thống nhất.

Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế đang có vướng mắc liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Qua thực tiễn trong thời gian qua cũng như nhiều năm gần đây, các bệnh viện, các cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức, chưa đáp ứng được theo yêu cầu.

Các chi phí khám, chữa bệnh chưa được thanh toán nên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các cơ sở y tế, gây khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu... và nhiều cơ sở y tế vì thế mà thành “con nợ”.

Cụ thể hơn về tình trạng này, theo số liệu thống kê sơ bộ của bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng số tiền Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh đến nay là hơn 7.000 tỷ đồng.

Đương nhiên, việc này đã dẫn đến tình trạng các bệnh viện chậm chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc. Nhà thầu thì cung ứng nhỏ giọt hoặc chậm cung ứng, ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh.

Thực tế, tình trạng bệnh viện trở thành “con nợ” diễn ra từ năm 2019 do bảo hiểm xã hội thực hiện thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các bệnh viện theo công thức của Nghị định 146 năm 2018.

Theo đó, hàng quý bảo hiểm xã hội thực hiện giám định và tạm quyết toán cho các bệnh viện được xác định theo số lượng, giá dịch vụ y tế. Các chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ đã sử dụng cho bệnh nhân.

Thế nhưng khi quyết toán năm, bảo hiểm xã hội lại căn cứ vào tổng mức thanh toán được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề. Đây là trở ngại lớn nhất đối với các bệnh viện vì thực tế, tổng chi phí khám chữa bệnh năm sau luôn cao hơn năm trước.

Trong khi đó tổng mức thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân đã dẫn đến hệ quả các chi phí phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các bệnh viện không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75, trong đó bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế. Bệnh viện được thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí trong năm.

Về cơ bản, quy định này đã “giải tỏa” cái khó cho cả cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, cần rà soát, phát hiện và nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tránh tình trạng bệnh viện trở thành “con nợ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ