Khát vọng "vì một Việt Nam khỏe mạnh" của quán quân SV_STARTUP 2022

GD&TĐ - Ứng dụng của học sinh Vĩnh Phúc xuất sắc đoạt giải Nhất Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV_STARTUP 2022) lần thứ IV. 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước (ngoài cùng bìa trái) trao giải Nhất cho đội thi Trường THPT Trần Phú.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước (ngoài cùng bìa trái) trao giải Nhất cho đội thi Trường THPT Trần Phú.

Đây là ứng dụng hỗ trợ quản lý và kết nối trong điều trị, giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh (WELLIFE)

Dự án vì cộng đồng

WELLIFE là ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trên thiết bị di động. Như một bác sĩ gia đình, dựa trên công nghệ camera AI, WELLIFE kết nối Người bệnh - Bác sĩ, Ytá - Điều dưỡng viên - Người nhà, giúp người bệnh sử dụng thuốc đúng theo phác đồ điều trị; hỗ trợ bác sĩ và người nhà quản lý các thông tin chi tiết về sức khỏe trong quá trình điều trị; hỗ trợ tra cứu thông tin về thuốc; lưu trữ các thông tin sức khỏe của bệnh nhân…

Nhiều người có lẽ sẽ phải bất ngờ vì dự án khởi nghiệp táo bạo này được thực hiện bởi học sinh của Trường THPT Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Sau cuộc thi, nhóm dự án WELLIFE gồm 4 thành viên Bùi Xuân Minh, Trần Minh Đức, Đặng Lê Khánh Ly, Nguyễn Trung Quân tiếp tục hoàn thiện để đưa ứng dụng vào cuộc sống.

Chia sẻ về ý tưởng hình thành dự án, em Bùi Xuân Minh nói: Ý tưởng bắt đầu từ khi bà ngoại em bị cao huyết áp nhưng do dịch bệnh không đi khám bệnh định kỳ được và cũng khó khăn trong việc liên hệ với bác sĩ để tư vấn nên một lần ở nhà một mình bà đã bị đột quỵ. Do không cấp cứu kịp thời, bà đã mất.

“Xuất phát từ đó, em nghĩ cần phần mềm thông minh trên thiết bị di động để hỗ trợ bệnh nhân chăm sóc và theo dõi sức khỏe thường xuyên, tránh những điều đáng tiếc xảy ra”, Minh cho biết thêm.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm học sinh đã thực hiện một khối lượng công việc lớn. Đối diện với khó khăn nhiều lúc dự án tưởng chừng như phải dừng lại. Tuy nhiên, với sự động viên của thầy cô, bạn bè và gia đình, dự án đã hoàn thành và được ghi nhận.

Em Bùi Xuân Minh nhớ lại: “Không được chuẩn bị kiến thức về kỹ thuật cũng như kinh doanh, chúng em phải tự mò mẫm và tìm hiểu, đồng thời nhờ thầy, cô giáo hướng dẫn, hỗ trợ, cũng như học hỏi từ các anh chị đi trước. Kinh nghiệm được cả nhóm tích lũy dần dần. Sai thì sửa, chưa vừa ý thì làm lại. Mỗi khi chúng em giải quyết được một vấn đề nào đó sẽ có một việc khác xuất hiện cũng như khi đang thực hiện dự án, một số thành viên của nhóm có việc buồn trong nhà. Nhiều khi muốn bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên của cô giáo hướng dẫn, chúng em lại tiếp tục kiên trì và hoàn thành dự án”.

Chỉ với một chiếc smartphone đã cài đặt ứng dụng WELLIFE, người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể nhận được sự theo dõi và tư vấn hữu ích đến từ các chuyên gia y tế một cách đơn giản, dễ sử dụng và ở mọi nơi, mọi lúc. Do vậy, có thể khẳng định WELLIFE là ý tưởng sáng tạo, nhân văn có giá trị thiết thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, giúp giảm bớt áp lực lên đội ngũ y, bác sĩ, đồng thời, giúp bệnh nhân và người nhà yên tâm, không lo lắng khi bị đứt gãy kết nối với bác sĩ và bệnh viện.

4 thành viên sáng lập dự án WELLIFE (ở giữa) cùng lãnh đạo Trường THPT Trần Phú. Ảnh: Nhật Tân
4 thành viên sáng lập dự án WELLIFE (ở giữa) cùng lãnh đạo Trường THPT Trần Phú. Ảnh: Nhật Tân

Kỳ vọng về tương lai

Sau một thời gian gắn bó với nhau, các thành viên trong nhóm WELLIFE có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những ngày gấp rút hoàn thành dự án, cả nhóm cùng giáo viên hướng dẫn đã ăn trưa bằng cơm hộp, tối lại ăn nhanh bằng bánh mỳ tại trường để tiết kiệm, rút ngắn thời gian. Rồi có những đêm mải làm, đến 1 giờ mới nhớ ra đã muộn, về đến nhà thì cả nhà đã đi ngủ. Đứng ở ngoài gọi mãi không ai ra mở cửa…

Em Trần Minh Đức tâm sự: Nếu không có sự giúp đỡ và ủng hộ của thầy cô, gia đình và bạn bè, chắc chắn chỉ với tâm huyết, công sức của 4 thành viên không thể hoàn thành dự án này. Các thầy cô vừa là người hướng dẫn, vừa là điểm tựa tinh thần cho cả nhóm. Thầy cô, người giúp đỡ về chuyên môn công nghệ, người dạy bảo cách thuyết trình, thuyết phục giám khảo. Người lại chạy đôn chạy đáo chăm lo từng bữa ăn, chai nước cho mọi người. Gia đình biết bọn em tâm huyết vào dự án có ích cũng ủng hộ, động viên rất nhiều.

“Giải thưởng này không chỉ của 4 thành viên, đó là giải thưởng và tâm huyết chung của tất cả mọi người. Vì vậy chúng em hy vọng ứng dụng này sẽ phát huy hiệu quả khi ứng dụng vào cuộc sống. Mang lại giá trị cho cộng đồng, đó là mục đích lớn nhất mà nhóm hướng tới”, Minh Đức khẳng định.

Nói về tương lai phát triển dự án, thành viên Nguyễn Trung Quân chia sẻ: Dự án được đưa vào hoạt động trong thời gian tới, trước mắt tại tỉnh nhà Vĩnh Phúc. Dự kiến sau 4 năm dự án sẽ phát triển tiếp ra các tỉnh khác và trở thành app hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người Việt tốt nhất.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, chia sẻ: Đây là dự án mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo, có sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn rất cao. Dự án đã tạo được sự kết nối giữa bác sĩ với bệnh nhân, đặc biệt là hỗ trợ người bệnh ở xa, điều kiện đi lại khó khăn hay những lúc dịch bệnh có diễn biến phức tạp. 
Hiện, dự án được bảo trợ về chuyên môn và kỹ thuật của Trường Đại học Phenikaa. Khi hoàn thiện, dự án sẽ phát triển thành một thành phần của mô hình “Bệnh viện không tường” của Đại học Phenikaa. Đồng thời, dự án cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Viettel Vĩnh Phúc và Sở Y tế Vĩnh Phúc. Có thể khẳng định, dự án của học sinh Trường THPT Trần Phú là sự khởi đầu và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy học sinh phổ thông nghiên cứu khởi nghiệp với ý tưởng mang tính thực tiễn và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Đăk Ui thăm nom, tặng quà cho cựu chiến binh A Danh. Ảnh: NTCC

Chung tay xoa dịu những nỗi đau

GD&TĐ - Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng vẫn còn những bà mẹ, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ… cần được giúp đỡ, hỗ trợ.

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hỏm Hốc tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình chị Lò Thị Mông.

Chị Mông làm kinh tế giỏi

GD&TĐ - Trong cuộc sống vô vàn khó khăn, chị Lò Thị Mông đã vươn lên để trở thành một trong những hội viên làm kinh tế giỏi ở Tuần Giáo (Điện Biên).

Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN

Cảm thụ văn học: Khúc tráng ca bất tử

GD&TĐ - Với lòng xúc động và cảm kích về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhà thơ Vương Trọng đã sáng tác “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”...

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...