Cảm thụ văn học - Truyện kí 'Và tôi vẫn muốn mẹ' (Svetlana Alexievich):

Khát khao từ những đau thương

GD&TĐ - Ẩn sau trang văn đau nhói về chiến tranh thảm khốc vẫn là “tiếng hát vô biên” của nỗi khát khao, khát khao tình mẫu tử, thiêng liêng, bất diệt...

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Đọc cuốn tiểu luận nổi tiếng “Vũ Trụ Thơ” của nhà phê bình Đặng Tiến, tôi nghĩ nhiều về một ý kiến: “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt, biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”. Xúc động với truyện kí “Và tôi vẫn muốn mẹ...” (Svetlana Alexievich), tôi nhận thấy, ẩn sau trang văn đau nhói về chiến tranh thảm khốc vẫn là “tiếng hát vô biên” của nỗi khát khao, khát khao tình mẫu tử, thiêng liêng, bất diệt.

Nhà văn được trao giải Nobel

Svetlana Alexievich sinh năm 1948, tại thị trấn Stanislav, phía Tây Ukraine, trong gia đình cha là người Belarus, mẹ là người Ukraine. Bà sống ở Belarus, là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Alexievich là người Belarus nhưng viết văn và báo bằng tiếng Nga. Năm 2015, nữ nhà văn vinh dự được trao giải Nobel Văn học.

Các tác phẩm tiêu biểu của bà: Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ (1983), Những nhân chứng cuối cùng (1985), Những cậu bé kẽm (1989), Lời nguyện cầu từ Chéc-nô-bưn (1997)... được viết theo thể loại phi hư cấu, dựng nên “một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta” - nhận định của Ủy ban chấm giải Nobel. Đó là những trang văn đậm đặc chất hiện thực, nhói đau cho thân phận con người, cất lên những giai điệu nhân văn sâu lắng lay tỉnh lương tri con người, hướng người ta tìm đến lẽ sống cao đẹp.

Văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ...” rút từ cuốn “Những nhân chứng cuối cùng” được sách Ngữ văn 11 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) lựa chọn để học sinh tìm hiểu, khám phá trong chủ đề Ghi chép và tưởng tượng trong kí. Nét độc đáo trong truyện kí “Những nhân chứng cuối cùng” là tác giả sử dụng hình thức phỏng vấn những người có tên tuổi, nghề nghiệp cụ thể, từng trải qua thực tế tàn khốc của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai khi còn thơ bé. Với hình thức đó, tác giả đã chọn lọc, sắp xếp lại sự kiện để đem đến cho người đọc những mẩu chuyện sinh động, hãi hùng trong kí ức của các nhân vật.

Chiến tranh và những nỗi đau

Chiến tranh mang đến những nỗi đau, ám ảnh từ chiến tranh là nước mắt và chia ly có lúc chẳng bao giờ gặp lại. Đọc văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ”, sự chia ly mới thật oái oăm, bất ngờ và tội nghiệp. Cậu bé vừa học xong lớp Một, được ba mẹ tiễn đi trại hè đội viên ở Gô-rô-đi-sa, chưa kịp vui chơi cùng chúng bạn thì chiến tranh ập đến.

“Tôi mới bơi được một lần ở đây, hai ngày sau đã là chiến tranh”. Và từ cái ngày định mệnh đó, những tháng ngày của cậu bé là chạy nạn, chia ly, bởi còn đâu cha mẹ ở bên. Cuộc xa nhà tạm thời (đi cắm trại, rồi lại được về với bố mẹ) trở thành chia ly vĩnh viễn, tâm hồn con trẻ ngây thơ mãi xa rời tổ ấm yêu thương kể từ khoảnh khắc “máy bay Đức bay trên đầu”, nhớ thương cũng từ đây, đói rét cũng từ đây. Theo dòng ký ức về những năm tháng chạy loạn của câu bé 8 tuổi, nỗi ám ảnh chiến tranh được tái hiện một cách chân thực, xót đau.

Chiến tranh ập đến, nhanh và bất ngờ. Những hình ảnh nhân vật tôi chứng kiến trên đường đi trại hè đội viên, không gì khác ngoài máy bay đánh bom và cảnh chết chóc, những người lính bị thương “rên la, đau đớn”. Sự bình yên bị xé nát, cháy rụi, chết chóc vẫn rập rình, không có chốn dừng chân. Với những đứa trẻ, đây là hành trình chạy nạn trong nơm nớp lo âu, “chúng tôi về thành phố nào đó, nhưng gần tới nơi, họ lại không để chúng tôi ở đó, vì quân Đức đã gần kề”.

Lời kể chân thực của nhân vật mang đến cho người đọc nỗi ám ảnh cái đói, cái thiếu, cái rét bởi chiến tranh: “Không có chỗ nằm ngủ, chúng tôi đành chợp mắt trên rơm rạ. Khi mùa Đông đến, bốn đứa chung một đôi ủng. Rồi nạn đói bắt đầu. Không chỉ trại mồ côi đói, mà những người xung quanh cũng đói, bởi mọi thứ đều chuyển ra tiền tuyến”.

Chiến tranh là thủ phạm của chia ly và ở đây, chiến tranh là đói khổ thảm thương. Tội nghiệp cảnh “hai trăm năm mươi” đứa trẻ trong trại mồ côi được người ta gọi đi ăn trưa mà chẳng có gì để ăn. Lời văn kể lại sự việc một cách chân thật, người trong cuộc “cô bảo mẫu và giám đốc ngồi trong nhà ăn mắt đầy lệ”, người đọc nhói lòng bởi sự thật xót xa. Để cứu đói, người ta giết con ngựa già Mai-ca “rất dịu dàng”, rồi giấu những đứa trẻ chuyện đó, không thì chúng không thể nào ăn nổi.

Chiến tranh, cái đói, hành trình lưu lạc của những đứa trẻ là “cái bụng ỏng”, thiên nhiên đã cứu chúng, cứu một cách thảm thương và cay xót. Trẻ con hóa loài vật, “con vật nhai lại”. “Mùa Xuân, trong bán kính vài cây số không một cái cây nào đâm chồi nảy lộc”. Nguyên do là vì đâu? Câu trả lời thực đến xót xa, “chúng tôi đã ăn hết tất cả chồi mầm, tước cả lớp vỏ non”, thậm chí “ăn cỏ”.

Văn chương gắn với đời sống, “viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật”, song cái sự thật oái oăm trên mới đáng sợ làm sao. Trớ trêu thay, cái đói bởi đạn bom chiến tranh lại gắn với thân phận những đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp, cần được bao bọc, yêu thương. Đau thương, đói khát, hãi hùng trở thành nét vẽ cốt lõi nhất của bức tranh hiện thực trong trang truyện kí của Alexievich.

Viết về chiến tranh, viết về những thương đau của những tâm hồn trẻ thơ, nữ văn sĩ dường như đã dựng nên “tượng đài kỉ niệm sự thống khổ” của con người. Ẩn sau những trang truyện kí đậm đặc chất hiện thực, người ta hiểu được sứ mệnh cao cả của người cầm bút. Còn đó rất, rất nhiều nỗi đau bởi đạn bom trên khắp hành tinh này. Ngày xưa và ngày nay, chiến tranh bao giờ cũng là mất mát đau thương, chiến thắng hay chiến bại, vết thương chiến tranh gây ra đâu dễ gì xoa dịu trong ngày một, ngày hai. Bởi thế, may mắn được sống trong hòa bình, mong sao người đời hãy trân quý, gìn giữ và bảo vệ.

Nhà văn Svetlana Alexievich. Ảnh: INT

Nhà văn Svetlana Alexievich. Ảnh: INT

Vẫn còn đó niềm khao khát

Cuộc đời ngẫm cũng lạ, có những cái mất đi, một thoáng buồn rồi cũng sẽ vơi đi, song có những cái không may vuột khỏi tầm tay, người ta khao khát kiếm tìm trong khắc khoải ước ao. Nhan đề truyện “Và tôi vẫn muốn mẹ” gợi ra cho người đọc một suy ngẫm, trong bất kì hoàn cảnh nào, niềm khát khao tìm mẹ, gặp mẹ của cậu bé 8 tuổi luôn cháy bỏng nhất, da diết nhất, cho dù đó là niềm khát khao trong vô vọng, đáng thương đến tội nghiệp xót đau.

“Tôi năm nay đã năm mươi mốt tuổi, tôi có hai con. Và tôi vẫn còn muốn có mẹ”. Nếu chọn câu văn tình nhất trong truyện kí hơn nghìn chữ này, tôi tin nhiều người sẽ khẳng định, đây là câu văn đắt giá nhất. Cái tình nhen lên bởi niềm ước ao chân thật của người đàn ông đứng tuổi, đã có điểm tựa tinh thần là hai đứa con. Lẽ đời, người ta chỉ cháy bỏng khi không có bến bờ để trao gửi, tựa nương.

Nhưng, trong truyện kí này, thời gian đã đi qua, mấy mươi năm cuộc đời, cậu bé lạc mẹ bởi chiến tranh giờ trưởng thành vẫn luôn khao khát có mẹ. Mong ước rất đời mà xúc động trái tim. Dõi theo truyện, người ta sẽ nhận thấy, đây không phải nguyện ước ở một thời điểm, mà là ước ao của chuỗi dài năm tháng. Mấy mươi năm thất lạc, cũng là mấy mươi năm tìm kiếm hơi ấm yêu thương của người con luôn khát khao tình mẫu tử.

Trở lại với tháng ngày lưu lạc, trong trại tập trung, theo lời kể của nhân vật, “những đứa trẻ nhỏ, chúng tôi có khoảng bốn mươi đứa, được cho ở riêng. Ban đêm chúng tôi khóc rền. Gọi ba gọi mẹ. Các cô bảo mẫu và giáo viên không nhắc đến từ ‘mẹ’, nhưng nếu ai đó bất ngờ nhắc đến ‘mẹ’, lập tức tất cả khóc òa. Gào khóc không nguôi”. Mấy câu văn nói đủ trạng thái tinh thần của những đứa trẻ khi thiếu vắng mẹ. Nhớ mong, khát thèm đến tội nghiệp. Nước mắt tuôn rơi, tiếng gọi mẹ nhoi nhói trong tim, cái òa khóc tội nghiệp. Thương quá những tâm hồn thơ bé. Chúng cần sự ấm áp của tình mẹ - thứ tình cảm không gì thay thế được.

Cuộc chia ly bất ngờ nên nỗi đau càng lớn, chiến tranh đẩy người ta vào nghịch cảnh, để rồi khắc khoải trong nỗi nhớ niềm mong. Thế nên, cậu bé lớp Ba, sẵn sàng trốn khỏi trại mồ côi đi tìm mẹ, đói lả và kiệt sức. Suốt cuộc chiến, cậu bé đã chờ đợi, khi nào chiến tranh kết thúc, sẽ thắng con ngựa đi tìm mẹ, rồi chiến tranh kết thúc “mẹ không đến”, cậu bé tội nghiệp không còn sức để đợi, cậu lẻn trốn dưới gầm ghế một con tàu và ra đi. Đi đâu? Đi tìm mẹ. Có thể nói, nếu phần đầu truyện gắn với sự thảm khốc, đói khổ của chiến tranh, mất mát chia ly thì phần cuối là hành trình của tìm kiếm, nhưng càng tìm càng tuyệt vọng. Bởi vậy, nỗi đau ngân dài nỗi đau, khát khao vẫn chỉ là khát khao.

Chiến tranh đã đi qua, cái cảm giác đói và thiếu mẹ vẫn luôn bám riết dai dẳng nhân vật “tôi”. Vết thương ngoài thịt da rồi cũng lành, chỉ có vết thương trong tâm hồn mãi luôn rỉ máu. Nhân vật tôi đã mất mẹ, mất mát không bao giờ bù đắp được, cho dù anh đã có gia đình nhỏ, song niềm khát khao có mẹ chẳng bao giờ cạn vơi. Câu kết của truyện vẻn vẹn bảy chữ, đủ để khẳng định nỗi khát thèm tình mẫu tử thiêng liêng của người con nay đã trưởng thành.

Quả thực “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ”, “mẹ còn sống thì con còn được bé”, nhưng với nhân vật tôi, tất cả chỉ có trong giấc mơ. “Mẫu tử tình sâu”, tuyệt biết bao, tình sâu đó trường tồn cùng năm tháng. Và niềm khát khao “vẫn có mẹ” của nhân vật trong truyện là niềm khát khao của muôn triệu trái tim ta bắt gặp trong cuộc sống thường ngày. Nhân văn và cao đẹp! Mong sao, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc! Chút vô tình sẽ còn lại những day dứt ăn năn.

Bìa tác phẩm “Những Nhân Chứng Cuối Cùng”. Ảnh: INT

Bìa tác phẩm “Những Nhân Chứng Cuối Cùng”. Ảnh: INT

Về nghệ thuật truyện kí

Truyện kí được xếp vào loại văn học phi hư cấu. Nét nổi bật của truyện kí là kể về người thật, việc thật. Tôn trọng sự thật đời sống, đảm bảo tính xác thực của toàn bộ sự việc được kể là đòi hỏi hàng đầu của truyện kí. Văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ” của Svetlana Alexievich mang đầy đủ đặc trưng của thể loại. Tư liệu sống được dùng để viết nên truyện kí này hoàn toàn do một người thợ làm tóc năm mươi mốt tuổi tên là Din-na Cô-si-ắc cung cấp cho nhà văn - nhà báo Alexievich.

Bởi vậy, đây là câu chuyện về người thật, việc thật. Thời điểm kể lại câu chuyện cho tác giả nghe, người đã kể năm mươi mốt tuổi. Chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, điều đó cho thấy những sự kiện được kể lại gắn với trải nghiệm trực tiếp của người kể, đó là những năm tháng tuổi thơ chia ly đau đớn bởi chiến tranh của cậu bé mới 8 tuổi. Kể về đời mình, nhân vật tôi không giấu nổi thái độ, tâm trạng trước các sự kiện, câu chuyện lay động lòng người bởi tính chân thực, ngắn gọn trong từng sự việc được kể, chuyện một người, có sự đồng cảm với nhiều người, nhất là những cuộc đời đã đi qua bom đạn chiến tranh.

Mỗi nhà văn đều có một dạng vân chữ, lối kể riêng độc đáo. Bề ngoài, nhà văn là người nghe và ghi lại diễn biến câu chuyện, song tác giả có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập văn bản. Vai trò này không chỉ thể hiện ở việc lựa chọn ngôn từ, giọng kể, mà còn ở cách sắp xếp sự việc, cách sáng tạo các chi tiết, hình ảnh giàu ý nghĩa.

Đặc biệt, mặc dù người kể chuyện thuộc ngôi thứ nhất xưng “tôi”, nhưng lời kể không còn là lời “nguyên bản” của người thợ làm tóc, mà là lời kể có tính nghệ thuật, được nhà văn sáng tạo nên. Qua lời kể, nhà văn thể hiện thái độ đồng cảm với những đau thương, mất mát mà nhân chứng từng nếm trải. Bên cạnh đó, cái thú nhất trong nghệ thuật truyện kí của Alexievich là cách chọn lọc các chi tiết đắt giá. Cái cơ cực, đói nghèo bởi chiến tranh, cuộc sống thiếu vắng tình thương của những đứa trẻ được thể hiện chính xác, xúc động qua các chi tiết lay động lòng người.

“Mỗi tác phẩm văn học chân chính phải là một lời đề nghị về lẽ sống”. Chân thực, xúc động, truyện kí “Và tôi vẫn muốn mẹ” của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich mang đến cho độc giả “lời đề nghị về lẽ sống” cao đẹp, nhân văn: Trong tận cùng nước mắt nỗi đau, tình mẫu tử vẫn thiêng liêng bất diệt và trở thành niềm khát khao cháy bỏng của con người; chiến tranh là chia ly nước mắt, ước sao thế giới luôn được sống trong hòa bình, ở đó bàn tay sẽ nắm bàn tay trong sự đoàn kết yêu thương. Bấy giờ, sẽ không còn cảnh những đứa trẻ phải “gọi ba gọi mẹ” trong nghịch cảnh xót đau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ