Nhà tôi là nhà trí thức, bố làm thầy giáo, mẹ là bác sĩ. Nay hai cụ đã nghỉ hưu nhưng chưa có cháu bế. Hai năm gần đây, sức khỏe của vợ tôi yếu nên tôi khuyên em nghỉ ở nhà. Ban đầu em không chịu nhưng sau cũng nghe lời.
Gần 3 năm nay, bố mẹ tôi luôn gọi tôi vào nói chuyện riêng. Ông bà, muốn tôi ly dị vợ và kết hôn với một người khác. Ông bà không chê vợ tôi ở điểm gì nhưng lại không thể chấp nhận được việc không có cháu nối dõi.
Tôi luôn tìm cách lựa lời nói với các cụ về bệnh tình của vợ tôi. Và vợ chồng tôi sẽ cố gắng chạy chữa. Trước mặt, bố mẹ vẫn nói chuyện bình thường với vợ tôi, sau lưng, tôi biết, hai cụ rất buồn.
Bản thân vợ tôi cũng ngỏ ý với tôi rằng, cô ấy muốn ly hôn với tôi để tôi có thể danh chính ngôn thuận đi bước nữa. Tình yêu 3 năm và nghĩa vợ chồng đã bảy năm, tôi hiểu vợ chỉ nói vậy thôi chứ lòng cô ấy rất đau đớn.
Nếu tôi ly dị vợ thì cô ấy chỉ còn lại một mình vì bố mẹ vợ tôi đã mất. Tôi hiểu, một người phụ nữ bị vô sinh cộng thêm bệnh tật yếu ớt, không còn người thân mà nay lại bị chồng ruồng bỏ thì thật sự khó mà vượt qua được.
Mỗi buổi tối, vợ chồng thường đi dạo với nhau. Ra công viên hay bất kỳ nơi nào có trẻ con là vợ lại rưng rưng nước mắt xin lỗi tôi. Vợ chồng tôi đã đi khám, kết quả là tôi hoàn toàn bình thường, chỉ có vợ là vô sinh bẩm sinh.
Tôi biết, mình không chỉ là chồng mà còn là chỗ dựa cuối cùng của vợ. Tôi cũng yêu vợ, không nỡ xa vợ. Thế nhưng nhìn cảnh bố mẹ tôi lầm lũi và buồn rầu thì tôi lại xót lòng.
Ông bà cũng nói, nếu tôi không ly dị thì hãy lấy vợ nữa hoặc sinh con bên ngoài. Cả hai điều trên, vợ tôi đều chấp nhận hết. Hai chữ chấp nhận ấy để nói ra được thì lòng vợ cũng đã tan nát trăm bề.
Ở cơ quan tôi có anh khuyên rằng vợ chồng tôi nên nhận con nuôi, như thế vừa không khiến vợ buồn mà ông bà lại có cháu. Tôi thưa chuyện với hai cụ nhưng bị phản đối gay gắt.
Các cụ nói rằng tôi hoàn toàn bình thường vậy thì tại sao lại phải xin con nuôi. Tôi yêu thương vợ nhưng cũng không muốn bố mẹ buồn rầu thêm nữa. Bên tình bên hiếu, biết sao cho vẹn?