Khánh thành tượng đài "Người cộng sản mẫu mực - giáo sư đỏ trong nhà đày"

Khánh thành tượng đài "Người cộng sản mẫu mực - giáo sư đỏ trong nhà đày"

(GD&TĐ) - Trong niềm vui kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/10 và kỷ niệm 22 năm ngày mất của đồng chí Trần Tống (30/11/1988 - 2010), một nhà giáo mẫu mực, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Ngày 25/11/2010, được sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương, trường Tiểu học Trần Tống, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc  (Quảng Nam) long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đồng chí Trần Tống trong khuôn viên nhà trường.

Đại diện gia đình đồng chí Trần Tống trao quỹ khuyến học Trần Tống cho các em học sinh nghèo học giỏi.
Đại diện gia đình đồng chí Trần Tống trao quỹ khuyến học Trần Tống cho các em học sinh nghèo học giỏi.

Việc dựng tượng đồng chí Trần Tống tại ngôi trường mang tên đồng chí thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tôn vinh tài năng, đức độ của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do của tổ quốc; đồng thời là hoạt động thiết thực có ý nghĩa giáo dục thế hệ giáo viên, học sinh và nhân dân trường Tiều học Trần Tống nói riêng, nhân dân tỉnh nhà nói chung.

Tại buổi lễ khánh thành tượng đồng chí Trần Tống, đại diện gia đình đồng chí Trần Tống đã trao học bổng gồm tiền mặt và quà cho học sinh và tập thể nhà trường với tổng trị giá hơn 10 triệu đồng. Được biết từ năm 2009 quỹ khuyến học Trần Tống đã đi vào hoạt động, đây là quỹ do những người thân trong gia đình quyên góp tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. Mỗi năm sẽ trao học bổng cho 5- 10 em. Và từ năm 2009 đã hỗ trợ cho các em học thêm ngoại ngữ, tin học thu hút được hơn 30 học sinh theo học.

Người cộng sản mẫu mực - giáo sư đỏ trong nhà đày

Sinh ra tại làng Thừa Bình, nay là thôn Song Bình, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Thân sinh đồng chí Trần Tống là cụ Trần Cảnh, một nhà nho yêu nước, thương dân, có uy tín và được nhân dân địa phương yêu mến. Đầu năm 1942, cụ đã cùng gia đình nuôi giấu, giúp đỡ đồng chí Tố Hữu sau khi vượt ngục Đắc Lây.

Đồng chí Trần Tống tham gia cách mạng rất sớm, năm 1935 khi là học sinh trường Quốc học Huế đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào học sinh Huế. Với nhiệt huyết cách mạng đồng chí Trần Tống được các đồng chí Phan Đăng Lưu, Bùi San bồi dưỡng về lý luận và tư tưởng đồng chí đã tham gia thành lập Đoàn Thanh niên dân chủ Huế. Tháng 02 năm 1937, đồng chí Trần Tống được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách vận động học sinh trường Quốc học và xây dựng cơ sở Đảng trong các trường học.

Năm 1937, đồng chí về huyện Đại Lộc mở lớp dạy hè tại làng Hoá Tây, tổng Mỹ Hoà và tổ chức lưu hành các sách báo tiến bộ và cách mạng, bí mật tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lênin và con đường đấu tranh chống đế quốc, phong kiến cho nhiều thanh niên trong vùng, sau này những thanh niên này trở thành những lãnh đạo cách mạng của huyện nhà. Trở lại Huế, đồng chí thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của trường Quốc học Huế và được cử làm Bí thư của Chi bộ; đồng thời thành lập Ban Cán sự Đảng để chỉ đạo các chi bộ trong các trường kỹ nghệ thực hành Huế, Quốc học, Phú Xuân và Thuận Hoá.

Tháng 10/1938, đồng chí Trần Tống được cử về Quảng Nam, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách các chi bộ ở Đà Nẵng. Tháng 10 năm 1939, đồng chí Trần Tống bị bọn thực dân Pháp bắt tại Đà Nẵng, rồi bị đưa về giam ở nhà lao tỉnh Quảng Nam. Trong nhà lao đồng chí đã chịu nhiều đòn tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí kiên quyết không khai các cơ sở của Đảng do đồng chí xây dựng và móc nối. Ngày 06/01/1940, địch mở phiên toà xét xử những người cộng sản Quảng Nam. Với tài hùng biện và vốn lý luận của mình, đồng chí đã biến phiên tòa thành nơi tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến, bảo vệ lý tưởng cách mạng của mình, tuyên truyền ảnh hưởng trước nhân dân tham dự phiên tòa, bác bỏ cả phiên tòa, bác bỏ bản án của kẻ địch,... sau đó đồng chí Trần Tống cùng các đồng chí của mình hát bài ca cách mạng rồi về nhà lao Hội An. Phiên toà đã gây chấn động mạnh trong dư luận, đánh một đòn đau vào bọn tay sai. Báo Điện Tín lúc bấy giờ đã đưa tin về vụ án này với thái độ thán phục những người cộng sản.

Trong thời gian bị giam ở nhà tù Hội An, đồng chí đã làm tốt công tác huấn luyện lý luận và phương pháp công tác cách mạng cho cán bộ, đảng viên đang bị giam cầm, trong đó nhiều người sau khi ra tù trở thành cán bộ trung kiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, lập Ban liên lạc để thống nhất các cơ sở còn lại của Đảng trong tỉnh, góp ý kiến và tài liệu tuyên truyền cho các đồng chí ở bên ngoài nhà lao. Đặc biệt, đồng chí đã bí mật dịch tài liệu “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện trong tù.

Đồng chí Trần Tống trong nhà tù thực dân Pháp với số hiệu 4185
Đồng chí Trần Tống trong nhà tù thực dân Pháp với số hiệu 4185

Tháng 01/1941, đồng chí bị giải lên nhà đày Buôn Ma Thuột, tại đây đồng chí cùng Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Trần Hữu Dực, Đặng Thí... thành lập chi bộ đảng đầu tiên nơi đây. Đóng góp lớn nhất của đồng chí là tuyên truyền, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ những nguyên tắc về quan điểm và tổ chức hoạt động của Đảng. Bằng trí nhớ của mình, đồng chí đã biên soạn trên 20 tài liệu làm bài giảng về chủ nghĩa Mác - Lênin. Các tài liệu đó đã giúp nhiều đồng chí trong tù nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và về Đảng từ đây đồng chí được anh em đặt cho danh hiệu giáo sư đỏ trong nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tháng 5/1945, ra tù đồng chí tham gia khời nghĩa giành chính quyền tại Quảng Ngãi. Cách mạng thành công, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại, đồng chí được cử vào Xứ uỷ Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn và phụ trách Đảng bộ Thừa Thiên. Tháng 01/1946, đồng chí trung cử vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Năm 1946, đồng chí Trần Tống được Xứ uỷ Trung Kỳ phái vào phụ trách địa bàn Quảng Nam để tham gia chỉ đạo đối phó với các hoạt động của bọn phản động. Trong một lần công tác tại tại Hội An, để giúp cho cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức hơn về chủ nghĩa cộng sản và thấy được bản chất của chủ nghĩa Tam dân, đồng chí đã phân tích nội dung, ý nghĩa lịch sử cũng như sự lỗi thời của chủ nghĩa Tam dân và khẳng định lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mới phù hợp với điều kiện nước ta trong thời đại mới. Buổi nói chuyện này có ảnh hưởng tốt về mặt tư tưởng, nhận thức trong số thanh niên, học sinh, tri thức và đồng bào trong tỉnh. Đồng chí Trần Tống lại một lần nữa được anh em tặng cho danh hiệu “Giáo sư Đỏ” sau những lần ở nhà ngục Hội An (1939) và nhà đày Buôn Ma Thuột (1941-1945).

Trong những năm kháng chiến chống Pháp đồng chí Trần Tống được cử giữ chức Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, rồi Ủy viên Liên Khu ủy 5, phụ trách việc huấn luyện cán bộ, đảng viên giúp Đảng bộ nâng cao trình độ lý luận và chính trị của cán bộ và đảng viên. Từ cuối năm 1957, đồng chí Trần Tống về nước, được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Bí thư Đảng Đoàn, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp...

Trên cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền đường lối của Đảng; tổng kết những kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 30/11/1988, do bị bệnh tim đồng chí Trần Tống đã từ giã cõi đời. Sự ra đi của đồng chí để lại cho các thế hệ mai sau một trong phẩm chất cao quý của người cộng sản là dù trong hoàn cảnh nào cũng ra sức tìm tòi, học tập lý luận, tiên phong trong công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ trung kiên cho Đảng; sống liêm khiết, lạc quan và luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.

Ngôi trường mang tên người cộng sản mẫu mực - Trần Tống

Tiền thân của Trường Tiểu học Trần Tống là trường Tiểu học số 1 Đại Quang được thành lập theo Quyết định số 26/QĐ-UBND huyện Đại Lộc từ năm học 2006. Đến nay có 29 cán bộ, giáo viên, 15 lớp học các khối với gần 500 học sinh.

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, trong những năm qua Trường Tiểu học Trần Tống luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chú trọng tăng cường khâu kiểm tra và đánh giá học sinh, duy trì sĩ số, chống bỏ học và nâng cáo chất lượng dạy và học. Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ; đồng thời tổ chức nhiều phong trò vui học “kể chuyện đạo đức Bác Hồ”, “Vẽ tranh quê hương”, “Rung chuông vàng”, các trò choi dân gian, hoạt động ngoại khóa... nhằm tạo ra khí thế thi đua thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”.

Đồng chí Phan Xuân Quang (trái), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam cùng đại diện gia đình cắt băng khánh thành tượng đồng chí Trần Tống tại trưởng Tiểu học Trần Tống.
Đồng chí Phan Xuân Quang (trái), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam cùng đại diện gia đình cắt băng khánh thành tượng đồng chí Trần Tống tại trưởng Tiểu học Trần Tống.

Những phong trào đó đã tạo bước chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục: đã huy động 100% trẻ 6 tuổi ra lớp; 100% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Giữ vững và nâng cao thành quả quả đạt chuẩn quốc gia về Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi trên địa bàn xã. Tỉ lệ học sinh khá giỏi chiếm hơn 50%, không có học sinh yếu kém. Qua các kỳ thi học sinh giỏi nhà trường có 45 giải, trong đó nhất 02, nhì 11, ba 11, khuyến khích 21.

Đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo”, nêu cao ý thức tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Đến nay đã có 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 100% giáo viên tham gia giảng dạy giáo án điện tử, biết sử dụng, khai thác thông tin trên mạng. Cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư.

Với những nỗ lực của thầy vào trò trong những năm qua, thầy và trò trường Tiểu học Trần Tống đạt được thành quả hết sức khích lệ: có 14 lượt giáo viên giỏi cấp huyện, 78 lượt giáo viên giỏi cấp trường; Chi bộ nhà trường liên tục được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh, công đoàn cơ sở nhà trường được Liên đoàn Lao động huyện tặng Giấy khen và công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc; năm học 2005 - 2006 được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen; năm học 2008 - 2009 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; toàn trường có 1 Chiến sĩ thi đua cơ sở cấp tỉnh, 23 lượt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Năm 2008 – 2009, Trường Tiểu học Trần Tống được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 2. Đây là 1 trong 4 trường tiểu học đầu tiên của huyện được công nhận.

Trong những năm tới tập thể giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trần Tống nguyện phấn đấu không ngừng để đạt được kết quả tốt, xúng đáng với ngôi trường mang tên người cộng sản kiên cường, một nhà giáo mẫu mực, giáo sư đỏ - Trần Tống.

Lê Năng Đông

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.