Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và sự kiện thành phố Cao Lãnh được ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO, Đồng Tháp khánh thành đường sách thành phố Cao Lãnh. Đây là đường sách đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và là đường sách thứ 5 trong cả nước.
Đường sách thành phố Cao Lãnh được khởi công xây dựng ngày 21/9 tại Công viên Văn Miếu (Phường 1, thành phố Cao Lãnh) do Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn thực hiện.
UBND thành phố Cao Lãnh làm chủ đầu tư và Công ty Kỹ thuật Xây dựng Huê Tinh là đơn vị thi công. Đường sách thành phố Cao Lãnh có tổng diện tích khoảng 2.300m2, hoạt động từ 7 giờ - 22 giờ hằng ngày.
Đường sách có 6 gian hàng sách, 2 gian hàng thư quán, 8 gian hàng văn hóa phẩm, lưu niệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương; Một khu triển lãm, trưng bày và tổ chức các hoạt động giao lưu tác giả, tác phẩm; Một gian hàng cà phê sách; Một văn phòng ban điều hành và sân khấu.
Quảng trường Văn Miếu (ngay đường sách) được sử dụng để tổ chức các hội sách, các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố và của đường sách.
Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh Võ Phan Thành Minh cho biết, thành phố đã học tập kinh nghiệm từ các đường sách để có những chất liệu tinh túy nhất khi áp dụng tại đường sách thành phố Cao Lãnh.
Việc xây dựng đường sách nhằm tạo ra một không gian văn hóa mở để tổ chức các hoạt động nhằm tạo thói quen và cổ vũ cho tri thức, văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân địa phương, nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đường sách hình thành tại vị trí trung tâm của thành phố sẽ là hình mẫu cho việc quy hoạch phát triển văn hóa đọc trong tương lai.
Các bạn trẻ tham quan một gian trưng bày tại đường sách. |
Theo ông Võ Phan Thành Minh, ngày nay máy tính và điện thoại thông minh đã phổ biến, thói quen đọc sách dường như bị internet làm thay đổi. Đường sách thành phố Cao Lãnh ra đời góp phần khơi gợi tình yêu sách đối với bạn đọc, nhất là giới trẻ.
Đường sách sẽ tạo dựng, tôn vinh và phát triển văn hóa đọc. Đây là nơi tổ chức giao lưu tác giả, độc giả; giới thiệu xu hướng, trào lưu làm sách mới, sáng tác mới; nơi ươm mầm, phát hiện các tác giả trẻ, đỡ đầu cho các tác phẩm mới; nơi tạo dựng thói quen, cách thức đọc sách, niềm đam mê sách cho mọi người.