Sông Cái đang “kêu cứu”
Những ngày qua, Báo GD&TĐ đã có mặt tại sông Cái thuộc thị trấn Diên Khánh huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để ghi nhận thực tế. Điều dễ nhận thấy ở khu vực này nước sông có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Không những vậy, do tình trạng ô nhiễm diễn ra một thời gian dài không có lực lượng chức năng xử lý đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt các khu dân cư ven sông. Hàng loạt nhà dân phải cửa đóng then cài vì không chịu nổi mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên, người dân mỗi khi đi qua đây đều phải đeo khẩu trang kín mịt.
Nhiều hộ dân ở khu vực sông Cái cho biết, nguyên nhân chính làm dòng sông ngày càng ô nhiễm là các làng nghề, trang trại nuôi lợn tại đây đã xả thải trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, các xe bồn làm dịch vụ hút hầm vệ sinh đổ chất thải xuống đây nên dòng sông đang phải “sống mòn”.
Ông Đỗ Khịt một người dân sống lâu năm tại sông Cái (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Ngày trước nguồn nước sông Cái rất sạch. Người dân chúng tôi tắm, giặt đồ trên sông mỗi ngày. Tuy nhiên, sau này do một bộ phận người dân thiếu ý thức rồi trang trại nuôi lợn… xả thải trực tiếp xuống sông nên đã làm dòng sông ô nhiễm. Thậm chí, tình trạng ô nhiễm còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giếng nước sinh hoạt của người dân vùng ven sông”.
Sông Cái còn phải “sống mòn” đến bao giờ
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, sông Cái là nguồn nước thô để Nhà máy nước Nha Trang, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 600.000 dân thuộc các huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và TP Nha Trang. Điều đáng nói, sông Cái còn đỗ ra biển Nha Trang, nên tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường biển, đặc biệt là du lịch.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vũ Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, nguồn nước sông Cái ô nhiễm là do ý thức của một số tổ chức, cá nhân chưa cao. Chất thải các làng nghề thải ra sông Cái liên tục. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì ô nhiễm sẽ tàn phá rất nặng”.
Cũng theo báo cáo của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa, chất lượng nguồn nước sông Cái bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc xả thải, ô nhiễm môi trường tại một số khu vực. Cụ thể, nước thải từ làng bún tại tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh. Nước thải sinh hoạt, sản xuất bún đổ ra Bầu Máng, thị trấn Diên Khánh. Nước thải từ các trại chăn nuôi lợn xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh. Trong đó, tình trạng xả nước thải ô nhiễm từ làng nghề làm bún tại tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh đáng báo động.
Trước tình cảnh sông Cái ngày càng bị “bức tử”, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng chỉ đạo, kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nêu trên nhằm bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước.
Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản yêu cầu UBND huyện Diên Khánh khẩn trương xử lý, không để tồn tại các nguồn phát thải trên địa bàn huyện gây ô nhiễm nguồn nước sông Cái. Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan (tổ chức, cá nhân xả thải sai quy định và cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý công tác bảo vệ môi trường).
Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Phối hợp với UBND huyện Diên Khánh xử lý dứt điểm, không để tồn tại các nguồn xả thải không phép, xả thải sai quy định. Đặc biệt là việc xả thải của xe hút hầm cầu vào mương nối ra sông Cái, xả thải của các cơ sở chăn nuôi lợn và xả thải của các cơ sở sản xuất bún.
Thời điểm hiện nay, theo ghi nhận của Báo GD&TĐ tình trạng ô nhiễm tại sông Cái vẫn đang là bài toán khó và chưa xử lý được dứt điểm.
Sông Cái đang phải “sống mòn” với ô nhiễm. Người dân cũng đang lo lắng nguồn nước ô nhiễm tiềm ẩn nhiều dịch bệnh.
Người dân cần cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa sớm vào cuộc chỉ đạo quyết liệt.