Khẳng định quyền con người và nghĩa vụ công dân

Khẳng định quyền con người và nghĩa vụ công dân
Tất cả 4 bản Hiến pháp nước ta (ban hành vào các năm 1946, 1959, 1980 và 1992) đều quy định "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân". Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là xác định hình thức để nhân dân thực hiện quyền này mới là quan trọng.
Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định hình thức dân chủ đại diện: "Nhân dân thực hiện quyền này qua Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND)". Nhưng quy định này là không đủ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung và đề cao thêm hình thức dân chủ trực tiếp và nâng cấp hình thức dân chủ đại diện. Điều 6 dự thảo quy định: "Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, điểm mới ở đây không chỉ ở quy định thực hiện quyền của công dân thông qua dân chủ trực tiếp, thông qua các cơ quan dân cử mà còn thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước khác. Quy định này gián tiếp xác định nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. 
Lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Ảnh: Viết Thành
Lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Ảnh: Viết Thành
Tính dân chủ cao trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn được thể hiện ngay ở Điều 1, Chương I về Chế độ chính trị. Yếu tố dân chủ đã được đưa lên hàng đầu: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời".
Trong khi đó, Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho hay, những điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì nhiều và nội dung nào cũng "nóng", nhưng ông tâm đắc nhất hai nội dung mới. Đó là nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định quyền con người. "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền giám sát và phản biện các cơ quan nhà nước. Đây là nội dung chưa từng có ngay cả trong Điều lệ Mặt trận Tổ quốc" - ông Phạm Quốc Anh nhấn mạnh. Về quyền con người, ông cho rằng, dự thảo lần này đã nói rõ quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác… "Đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai, nhưng khi Hiến pháp có hiệu lực thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn" - ông Phạm Quốc Anh nói.
Nhấn mạnh nội dung mới về quyền con người, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề cập: "Trước đây mỗi khi nói đến quyền con người chúng ta có cảm giác gì đó nhạy cảm. Nhưng đây là quyền tự nhiên, cơ bản nhất của con người thể hiện phẩm giá con người, là giá trị phổ biến của nhân loại và chúng ta phải quy định rõ". Hiến pháp năm 1992 đã có những quy định về quyền con người, nhưng tản mát ở nhiều điều khoản khác nhau. Lần này, dự thảo sửa đổi đã dành hẳn Chương II quy định tập trung về quyền con người bên cạnh quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ghi nhận quyền con người, quyền công dân đã là một tiến bộ, nhưng theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, ấn tượng hơn còn là sự bảo đảm việc thực hiện ở mức độ cao hơn. Theo ông, trước đây chúng ta ghi nhận quyền công dân, có ghi thêm công dân thực hiện quyền theo pháp luật, nhưng với hệ thống chính quyền của chúng ta hiện nay thì mỗi cấp đều có thể ban hành quy phạm pháp luật, nên có nguy cơ hạn chế việc thực hiện quyền công dân. Nhưng lần này, Dự thảo sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân được bảo đảm bằng luật của QH quy định. "Đây là nhận thức mới trong cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người của chúng ta" - Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định.
Ngoài các nội dung trên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn làm rõ hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bằng cách hiến định hóa nguyên tắc lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nói riêng và sự nghiệp quốc phòng-an ninh nói chung. Ngoài ra, để bảo đảm công bằng xã hội, dự thảo đã quy định rõ việc cho phép thực hiện nghĩa vụ (dân sự) thay thế cho nghĩa vụ quân sự do luật định. Đây là vấn đề bổ sung xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trong việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết thêm, Hiến pháp năm 1992 là đạo luật cơ bản, nhưng có một số điều còn nêu chung chung, mang tính tuyên ngôn là chủ yếu. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã "gọt rũa" tất cả những quy định như thế. Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, Hiến pháp sửa đổi hướng tới việc bảo đảm giá trị thực thi trực tiếp như các nước trên thế giới.
Theo HNM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ