Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022.
Tại Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đôn đốc, kiểm tra các địa phương về công tác chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 đạt kết quả cao nhất.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về lộ trình học phí, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS và mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học để học sinh mượn dùng.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 (4/7), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS toàn quốc ngay từ năm học 2022-2023.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.
Đối với hệ THCS Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022-2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học).
Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ đang thực hiện, học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù được miễn học phí. Nếu học sinh THCS được miễn học phí, hàng triệu gia đình sẽ được giảm gánh nặng học hành, hàng trăm nghìn học sinh được nối dài thêm cơ hội học tập. Đây cũng sẽ là nguồn động viên, khuyến khích, tiếp sức cho hàng triệu học sinh trước thềm năm học mới.
Tại Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, các địa phương cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu: giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sử dụng lại lâu bền.
Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 16/6 nêu: sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.