Khám sàng lọc cho 111 trẻ khuyết tật cột sống, cơ quan vận động

GD&TĐ - Từ ngày 20 - 24/4, các bác sĩ của Đoàn chuyên gia Tổ chức nhân đạo Children Action và Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện khám, tư vấn và phẫu thuật cho các bệnh nhi mắc khuyết tật cột sống và cơ quan vận động.

Chuyên gia của Tổ chức Children Action khám sàng lọc cho trẻ
Chuyên gia của Tổ chức Children Action khám sàng lọc cho trẻ

Đã có 111 trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau được các bác sĩ khám trong ngày đầu tiên. 29 bé có chỉ định phẫu thuật cột sống, bàn chân khoèo, trật khớp háng bẩm sinh, ngắn dài chi, xương thủy tinh… tại Bệnh viện Xanh Pôn. Các chuyên gia chỉnh hình sẽ trực tiếp phẫu thuật các ca bệnh khó, nhằm cải thiện tình trạng bệnh cho các bé.

PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Chương trình hoạt động của các chuyên gia chỉnh hình lần này tập trung vào công tác khám, tư vấn và phẫu thuật cho các bệnh nhi, nhất là các trường hợp dị tật phức tạp, khó. Các cháu đến đây có rất nhiều các loại dị tật khác nhau như các bất thường về cột sống, gù, vẹo, các bệnh lý ở tay chân như trật khớp háng bẩm sinh, xương thủy tinh, bàn chân khoèo, bàn chân bẹt, dị tật chi trên như xương bả vai lên cao, thừa ngón, dính ngón…

Đây là lần hợp tác thứ hai giữa Bệnh viện Xanh Pôn và Tổ chức Children Action. Trước đó, vào tháng 3/2018, hàng chục cháu bé đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã được khám, hội chẩn, nhiều cháu đã được phẫu thuật thành công, cải thiện tình trạng bệnh cho trẻ. Trong đó 2 cháu được lựa chọn sang Pháp phẫu thuật hoàn toàn miễn phí.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Tổ chức nhân đạo Children Action đã giúp hơn 10.000 trẻ em Việt Nam thoát khỏi dị tật. Theo thỏa thuận hai bên đã ký kết, mỗi năm sẽ có 2 - 3 đoàn chuyên gia từ các nước có chuyên ngành chỉnh hình nhi phát triển như Pháp, Thuỵ Sỹ, Tây Ban Nha… sẽ đến Việt Nam, cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám và phẫu thuật cho trẻ em Việt Nambị dị tật bẩm sinh và di chứng chấn thương cơ quan vận động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.