Tối 5/9, Quỹ Dàn nhạc trẻ Thế giới (WorldYouth Orchestra Foundation) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ trao giải dự án “Âm thanh tình anh em: Khám phá tài năng sáng tạo”.
Tôn vinh các tác phẩm xuất sắc
Phát đi lời kêu gọi nghệ sĩ tham dự từ tháng 5/2024, trải qua hơn 3 tháng, dự án nhận được 58 hồ sơ ở 3 hạng mục: Nghệ thuật thị giác (visual art), âm nhạc và sân khấu. Ban tổ chức đã chọn được 7 giải ở cả 3 hạng mục và một giải Triển vọng cho những nỗ lực đáng khâm phục từ phía những bạn trẻ ở đại học Greenwich.
Tại lễ trao giải, ban tổ chức đã công bố 4 tác phẩm nhận giải hạng mục “Nghệ thuật thị giác” thuộc về các dự án “Chúc nghỉ ngon” của Trần Thảo Miên, “Bọ” của Bùi Bảo Trâm, “San hô trắng” của Nguyễn Thị Mỹ Dung và “Thế giới trong mơ” của bộ đôi tác giả Bùi Duy Mạnh - Lưu Trọng Việt (Greenwich University Vietnam).
Với “Chúc nghỉ ngon”, nghệ sĩ Trần Thảo Miên lấy bối cảnh thời trang nhộn nhịp của London và Hà Nội đến con đường thanh bình của chuyến du lịch một mình kéo dài từ Iran đến Timor-Leste. “Từ năm 2016, tôi đã theo đuổi tinh thần “sống chậm bận rộn”. Trong thế giới của ngành công nghiệp nghệ thuật phát triển nhanh, tôi nhận ra sự cộng hưởng giữa lối sống chậm bận rộn và hệ tư tưởng về công việc của Karl Marx”, Thảo Miên chia sẻ.
Trong khi đó, “Bọ” của Bùi Bảo Trâm là tác phẩm với ý tưởng “sẽ đóng rễ những nơi đất tới”, nằm trong suy tư “chúng ta sinh ra từ đất”. “Bọ” gồm hai giai đoạn: Thực hành viết và tác phẩm thị giác, giai đoạn 2 phát triển thực hành viết trước đó thành một vở kịch. “Bọ” phản ánh những niềm tin riêng tư của nghệ sĩ về mối quan hệ giữa linh hồn, giữa sự sống - cái chết.
Qua những cuộc hội thoại, hai nhân vật hiện thân cho những ràng buộc liên quan đến trách nhiệm, vòng lặp không điểm dừng. Linh hồn, trong góc độ của kịch bản này, mang tính bình đẳng, không một hiện thân nào vượt trội hơn nhau.
“San hô trắng” của Nguyễn Thị Mỹ Dung (Mzung Nguyen) thể hiện nỗ lực thực hành một dự án nghệ thuật đặc biệt gắn với vấn đề môi sinh và môi trường. “Mỗi năm có tới 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, tương đương với một xe tải chở đầy rác đổ xuống biển mỗi phút.
Mỗi năm có 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Sợi nhựa xuất hiện trong 83% mẫu nước uống cho con người trên toàn thế giới. Chúng ta gọi đó là ô nhiễm môi trường, nhưng có một nhóm nhà khoa học châu Âu gọi đó là “ô nhiễm trắng”, Mỹ Dung cho hay.
Cùng lên tiếng về môi trường, hai sinh viên Bùi Duy Mạnh - Lưu Trọng Việt (đại học Greenwich) biểu đạt trong từng hình ảnh sự bức bối trước vấn nạn xâm lấn tràn lan từ thói quen sử dụng túi nilon, và kêu gọi lòng yêu thương, tôn trọng môi trường sống.
2 tác phẩm đoạt giải hạng mục “Âm nhạc” thuộc về dự án “Ballet Symphony: Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản” của Nguyễn Ngọc Tú và “Hương sen Đồng Tháp” của tác giả Nguyễn An Như cũng đem lại những ấn tượng đặc biệt.
An Như là người khiếm thị, hiện đang là sinh viên năm cuối Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cô chinh phục ban giám khảo không chỉ bởi sự đam mê cháy bỏng mà còn ở khả năng biểu diễn với kỹ thuật điêu luyện cùng khả năng ứng tác âm nhạc một cách nhanh nhạy.
Thúc đẩy nghệ thuật Việt thêm vững mạnh
Hai tác phẩm đoạt giải hạng mục “Sân khấu” thuộc về các dự án “Kịch câm trở lại” của Nguyễn Hoàng Tùng và “Cơ thể 0” của Trần Diễm Phương. Từ những năm 2015, nghệ sĩ Hoàng Tùng đã nổi tiếng với “Kịch câm trở lại”.
Với thể loại kịch không lời, anh hầu như chỉ độc diễn với những câu chuyện chắt lọc từ lát cắt cuộc sống. Tất cả điều đó được thể hiện qua động tác hình thể, biểu cảm, nét mặt và những chuyển động tạo cho sân khấu Việt thêm một dòng kịch độc đáo.
Trần Diễm Phương được biết đến là một nghệ sĩ biểu diễn đa năng với các nghiên cứu chuyên sâu, tạo nền tảng đa dạng cho cộng đồng nghệ thuật. Cô cũng được biết đến với dự án nghệ thuật đặc biệt “Nổ cái bùm” diễn ra trong tháng 8/2024 tại Hội An và Đà Nẵng.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, các dự án được Dàn nhạc trẻ thế giới trao giải chứng minh sự lớn mạnh của nghệ thuật Việt Nam.
Để có được kết quả trên, đội ngũ triển khai dự án đã nỗ lực hết mình trong việc truyền tải thông tin, hướng dẫn cá nhân, nhóm nghệ sĩ - đặc biệt là sự tham gia ủng hộ cộng đồng nghệ sĩ, họa sĩ thành danh.
Dàn nhạc trẻ thế giới được thành lập ngày 15/9/2001, sau 4 ngày thảm kịch khủng bố xảy ra tại Mỹ. 65 nghệ sĩ đại diện cho năm châu lục đã gặp nhau tại Rome để tìm ra ý tưởng mới minh chứng cho lý tưởng hòa bình và phát triển tài năng nghệ thuật của giới trẻ. Đồng thời, truyền bá nhận thức về các chủ đề xã hội lớn như hòa bình, tình anh em, đối thoại đa văn hóa, ngoại giao văn hóa.
Đại sứ nước Cộng hòa Italy tại Việt Nam, ông Marco Della Seta cho biết, Việt Nam là điểm đến đầu tiên của dự án “Âm thanh tình anh em” tại Đông Nam Á. Dự án này là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các thể chế, văn hóa và nền học thuật của hai nước.
“Để có được kết quả này, chúng tôi đã rất khó khăn trong việc lựa chọn, bởi hầu hết các hồ sơ tác phẩm gửi về đều có chất lượng nghệ thuật cao, tính sáng tạo độc đáo và cách các nghệ sĩ kể câu chuyện nghệ thuật của mình vô cùng đa dạng. Với số lượng hồ sơ lớn, chúng tôi hiểu rằng cộng đồng nghệ thuật ở Việt Nam đang lớn mạnh và đa dạng ở nhiều loại hình.
Với vai trò là cơ quan tổ chức, chúng tôi coi đây là động lực để có thể kết nối nhiều hơn với các quỹ, tổ chức quốc tế ủng hộ cho cộng đồng nghệ thuật ở Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho biết.