Tr’đin - có tên gọi khác là cây Đủng đỉnh hoặc Móc rượu - là loài cây phổ biến ở núi rừng Tây Giang. Người dân bản xứ từ lâu đời xưa đã biết lấy nước từ cây Tr’đin, chế biến thành thứ rượu trời hảo hạng không nơi nào có được.
Mục sở thị cách lấy “rượu trời”
Trời xế chiều, anh Bh’ling Đan (xã Ch’ơm, huyện Tây Giang) dẫn chúng tôi men theo con đường mòn, đến chỗ cây Tr’đin cao hơn 5m, thân thẳng đứng trên rẫy cách làng chừng 20 phút đi bộ. Ở đó, có một cái thang được làm bằng các loại cây rừng, hai đầu được khóa chặt vào gốc và thân cây bằng dây rừng.
Cầm can nhựa và rựa, anh Bh’ling Đan bắt đầu trèo lên rồi dừng lại khi đến đoạn giữa thân cây. Tại đấy, treo sẵn một chiếc can nhựa, nối với thân cây bằng một ống nứa. Nước từ thân cây nhỏ giọt theo máng xuống can nhựa.
Anh Bh’ling Đan đổ nước từ chiếc can ấy sang can mang theo và dùng rựa khoét một lỗ nhỏ trên thân cây, rồi treo chiếc can lại vị trí ban đầu. Chỉnh sửa máng dẫn nước từ thân cây ra can xong, anh đi xuống. Cứ như thế, anh Bh’ling Đan đi đến những cây Tr’đin khác để lấy “rượu trời”.
“Cây Tr’đin thường mọc ở những nơi ẩm ướt, nhất là những khu vực gần khe hoặc suối. Nước từ cây Tr’đin có màu trắng đục, vị ngọt như đường. Trung bình, mỗi ngày cây Tr’đin to thường cho khoảng 2 - 3 lít nước. Hằng ngày, tôi mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ để đi lên rẫy rượu Tr’đin”, anh Bh’ling Đan cho biết.
Cùng đi còn có một “thổ địa” khác là anh Bh’ling Đều - một giáo viên dạy tiểu học tại xã Ch’ơm. Theo Bh’ling Đều, để lấy được rượu Tr’đin thì trước tiên, phải xem cây Tr’đin đó đã đủ thời điểm để lấy nước hay chưa. Nếu đã đủ thì phải đếm từ ngọn xuống, chừa 4 cuống lá già, đục đối diện với cuống lá già thứ 4.
“Để đục lấy rượu Tr’đin cũng là một quá trình, vì nếu đục không đúng cách sẽ không có nước và cây sẽ bị chết. Để biết cây có nước nhiều hay không, thì trong quá trình đục phải chú ý nếu thấy đọt cây trắng, mềm thì chắc chắn sẽ cho nhiều nước, và ngược lại nếu đọt cây cứng, có màu vàng thì nước sẽ ít”, anh Bh’ling Đều chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo anh Bh’ling Đều, nước từ cây Tr’đin có vị ngọt và thơm nên rất dễ thu hút kiến và ong đến. Nên để bảo quản được thì xung quanh can chứa luôn được che, bịt lại bằng lá rừng để tránh côn trùng.
Chế biến “đặc sản” núi rừng
Nước từ cây Tr’đin được người dân đem về sơ chế để trở thành một thứ rượu hảo hạng mà không nơi nào có được. Cho một loại vỏ cây vào can nước Tr’đin, Bh’ling Đều giải thích, đó là vỏ cây Chuồn. Nếu không có vỏ cây này, rượu sẽ không được ngon và sẽ nhanh chóng bị hư sau vài ngày.
Bh’ling Đều cho rằng, cây Chuồn có hai loại là Apăng và Zuôn. Vỏ hai loại cây này phải được phơi khô trước khi bỏ vào nước Tr’đin nhằm tăng nồng độ rượu, tạo vị và giúp bảo quản rượu lâu ngày. Tuy nhiên, nếu bỏ nhiều vỏ Chuồn, rượu sẽ bị đắng uống không ngon.
“Rượu Tr’đin có thể để được vài tháng, nhưng phải thay vỏ cây Chuồn thường xuyên. Cạnh đó, nếu rượu rót ra rót lại nhiều lần sẽ bị chua và hư”, Bhling Đều bật mí.
Cũng theo đồng bào Cơ Tu, ở xã Ch’ơm, hầu hết các hộ dân đều trồng cây Tr’đin, vì dễ trồng và phát triển tương đối nhanh. 6 - 7 năm từ ngày trồng là khai thác được rượu.
Giá rượu Tr’đin chỉ dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/lít. Rượu Tr’đin được người Cơ Tu sử dụng trong dịp Tết và lễ hội. Bên cạnh đó, loại rượu đặc sản của vùng đất Tây Giang thường được dùng để thết đãi những vị khách quý.
Nếu có dịp, du khách đặt chân đến những bản làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, nhất định phải thưởng thức rượu Tr’đin, loại “rượu trời” không nơi nào có được.