(GD&TĐ) - Từ thành phố Lào Cai vào huyện Bát Xát, tới trung tâm cụm xã Bản Vược có lối rẽ trái đưa ta đi theo hướng Tây Bắc, vượt những đoạn đường cheo leo qua quần thể hang động Mường Vi, Bản Xèo, vượt 2 tầng “cổng trời” là đến Mường Hum - thủ phủ trước kia của vùng Tây Bắc huyện Bát Xát. Mường Hum nay vẫn là trung tâm cụm 8 xã trong khu vực, đảm nhiệm vai trò là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa cho cả vùng.
“Bông hoa biết đi” xuống chợ Mường Hum |
Bởi vị thế hiểm địa, lại án ngữ đường xuyên núi sang Phong Thổ (Lai Châu) và đường lên vùng Y Tý có lối tắt qua biên giới phía Bắc, nên trước đây, thực dân Pháp đóng đồn binh lớn ở Mường Hum với quân số hàng tiểu đoàn. Khi có cách mạng, người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… ở Mường Hum đã theo Bác Hồ và Việt Minh đứng lên đánh đuổi thực dân và bè lũ tay sai. Hiện nay trường tiểu học Mường Hum được xây trên di tích đồn binh của thực dân Pháp xưa.
Suốt vài thập kỷ, phố chợ Mường Hum chỉ có hai dãy nhà mái lá hoặc ngói ống chạy dọc con đường vài chục mét, mang dáng vẻ một phố cụt buồn hiu hắt. Chỉ đến ngày chợ mới bừng dậy náo nhiệt bởi tiếng người, ngựa và rực rỡ sắc màu trang phục từ các núi cao đổ dồn về. Nay phố đã đông đúc hơn nhiều. Bên cạnh những nếp nhà trình tường, nhà lịa gỗ lợp ngói ống rêu phong cổ kính, đã xen lẫn những nếp nhà ngói đỏ và lác đác nhà hình hộp không mấy hợp cảnh, an-ten parabol rải rác khắp nơi, tuy nhiên điều đó lại chứng minh cho nếp sống hiện đại đã thâm nhập vào xứ núi này.
Không chỉ say mê chụp ảnh, du khách còn bị mê hoặc bởi thổ cẩm của đồng bào vùng cao |
Mường Hum là nơi hợp lưu của 2 con suối Nậm Pung Hồ và Trung Lèng Hồ, tạo thành suối Mường Hum, dòng nước rì rào ngày đêm bên chợ chính là nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Tài Tuệ viết ca khúc “Suối Mường Hum còn chảy mãi” từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Nhạc sĩ Phùng Chiến của Lào Cai tiếp tục khai triển tiết tấu, giai điệu, xúc cảm từ nơi đây để sáng tác ca khúc: “Chiều Mường Hum”, đã đạt Huy chương Vàng hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc ở thập kỷ 90, sau những năm Lào Cai mới tái lập.
Chủ nhân của phố chợ Mường Hum hầu hết là người dân tộc Giáy, còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nếp sống văn hoá truyền thống. Khách đường xa dẫu là chưa quen biết cũng đều được đón tiếp niềm nở chân tình, sự tiếp đón không chỉ là vài lời xã giao mà được mời ăn bữa cơm cá suối, uống chén rượu kết nghĩa bạn bè. Vào ngày tết Nguyên Đán, lễ hội roóng poọc, tết thanh minh, ngày rằm tháng Bảy, theo phong tục, đồng bào mời nhau ăn bữa cơm thịt vịt, thịt lợn hoặc thịt trâu, bò sấy khô. Xưa kia, mỗi dịp lễ, tết là một dịp tưng bừng hội múa xòe, múa quạt.
Gặp ở chợ phiên, cô giáo người Kinh tặng hoa tai làm đẹp cho em bé người Mông |