Khám phá bí ẩn tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

GD&TĐ - Trong tâm thức người Việt, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần nhiều lần hiển linh giúp dân trừ ma diệt quỷ, với pháp thuật và sức mạnh vô song.

Đền Trấn Vũ ở Ngọc Trì, phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội).
Đền Trấn Vũ ở Ngọc Trì, phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội).

Trải qua các triều đại, đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đã được các triều vua ban sắc phong thần, trở thành một trong các vị thần được nhân dân tôn kính, thờ phụng.

Trong số rất nhiều tượng độc đáo về Huyền Thiên Trấn Vũ, có 2 bức tượng uy phong được đúc bởi các bậc thầy, minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng của người Hà Nội xưa.

Biểu tượng thần chống lụt

Là một trong những hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, hiện diện trong di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị lớn đối với lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng, mà còn là một trong những biểu tượng của vùng đất Thăng Long.

Đền Trấn Vũ có tên chữ là Trấn Vũ quán, hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”, nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì. Đền được xây dựng trên thế đất “quy xà hội tụ” và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình rùa. Sau đền là đê sông Hồng, được coi là hình rắn (hay rồng).

Bia đá tại đền cho biết: “Ngày hóa, Diệu Lạc Thiên Tôn hóa phép, khiến Huyền Nguyên ngủ thiếp, Diệu Lạc liền moi hết ruột gan Huyền Nguyên, đem chôn ở núi Vũ Đương”. Theo các nhà nghiên cứu thì Ngài đã chứng quả tu “Tâm không”, tâm không còn vướng bụi trần – vô ưu (không ưu phiền). Do vậy, khi moi hết ruột gan là đã bỏ được tâm trần. Theo một số nhà nghiên cứu khác thì rắn và rùa thuộc loài vẩy ráp, chủ về nguồn nước, lạnh, tà, âm. Trấn Vũ diệt yêu rắn, yêu rùa được coi là biểu tượng thần chống lụt.

Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc. Người xưa cho rằng trấn phía Đông có thần Thanh Long - biểu tượng cho mùa Xuân, trấn phía Nam có thần Chu Tước - biểu tượng cho mùa Hạ, trấn phía Tây có thần Bạch Hổ - biểu tượng cho mùa Thu, trấn phía Bắc là thần Huyền Thiên - biểu tượng cho mùa Đông.

Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng: “Vào thời Tùy Khai Hoàng (617), sau khi tu luyện đắc đạo ở núi Vũ Đương, Huyền Thiên Thượng Đế thường đi du ngoạn khắp nơi để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Rất nhiều lần ngài xuất hiện ở trần gian để tiễu trừ yêu ma cứu giúp dân lành. Ngài đến hồ Linh Động ở bên sông Nhĩ, hương Long Đỗ để diệt trừ yêu quái.

Sau đó, ngài tiếp tục ngồi trên gò Kim Quy. Về sau, nhân dân ở vùng này tưởng nhớ đến công ơn nên xây dựng quán để phụng thờ”. Thời Đường, do kiêng chữ Huyền đổi là Chân, thời Tống kiêng chữ Chân đổi là Trấn, do vậy thần còn có tên là Huyền Vũ Đế, Chân Vũ Đế hay Trấn Vũ Đế.

Trên bia “Trấn Vũ điện bia ký” lưu giữ trong đền có ghi rõ rằng: Khi mới được tạc, tượng được tạc từ gỗ. Thời điểm đó, vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đưa quân đi dẹp giặc Chiêm Thành đã dừng chân nghỉ tại xã Thạch Bàn (tên cũ là Cự Linh).

Vua được thần báo mộng và phù trợ nên khi thắng lợi trở về đã ban sắc cho dân địa phương lập đền thờ đức thánh Trấn Vũ. Ngoài ra, vua còn ban tặng bài vị có 5 chữ “Hiển linh Trấn Vũ quán” và ban một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa. Bài vị cổ xưa đó hiện nay vẫn còn trong hậu cung, được thờ cùng với pho tượng thần.

kham-pha-bi-an-tuong-huyen-thien-tran-vu-4-1658.jpg
Đền Quán Thánh (Ba Đình) vẫn giữ được các nét cơ bản của Đạo giáo.

Đúc xong tượng mới làm đền

Theo hồ sơ bảo vật, pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ của đền Trấn Vũ (Long Biên) phải mất 14 năm mới hoàn thành. Vào năm 1747 tượng gỗ Huyền Thiên Trấn Vũ bị hư hại, dân làng góp công sức, tiền của đúc tượng đồng.

Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô của đền. Do đó, đến năm 1788 dưới thời Tây Sơn, nhân dân đã đúc lại tượng Trấn Vũ một lần nữa. Năm 1802, tượng hoàn thành và tồn tại đến ngày nay.

kham-pha-bi-an-tuong-huyen-thien-tran-vu-3-2065.jpg
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đền Trấn Vũ phải mất 14 năm mới hoàn thành.

Như vậy, xét về niên đại tượng được đúc trong triều đại Tây Sơn (1788 - 1801), có lẽ tính từ khi có ý định đúc tượng rồi quyên góp, mua vật liệu, làm khuôn, chưa dám đúc ngay vì có thời gian nhà Tây Sơn dẹp bỏ các đền, chùa và thu chuông đồng để đúc vũ khí... Chỉ đến khi nhà Tây Sơn bỏ chính sách này, thì việc đúc tượng mới được tiếp tục tiến hành. Đây được xem là pho tượng Trấn Vũ lớn thứ hai hiện có ở Hà Nội và cũng là một tác phẩm tuyệt mỹ của nghề đúc đồng liền khối cổ truyền.

Theo Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, người xưa đã xây dựng 8 lò đúc tại chỗ để đúc bức tượng này. Bức tượng được đúc liền khối bằng đồng thau và sau đó mới cho dựng đền. Tượng ở tư thế ngồi buông chân trên bệ hình chữ nhật, lưng thẳng, đầu trần, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực, thân mặc áo long bào đen có đai và hai bàn chân không giày, tay trái bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi kiếm chống trên lưng rùa. Quấn quanh lưỡi kiếm là một con rắn quấn trong tư thế lao xuống đầu rùa. 

Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Ngoài ra, tại Thượng cung còn có tượng 12 nguyên soái, là các thiên tướng theo Huyền Thiên Trấn Vũ đi trừ yêu diệt quái, nay còn 10 pho, có 2 pho là nữ thần xếp thành 2 dãy sát tường chầu vào giữa.

Các pho tượng được tạo bằng đất, có vẻ mặt khác nhau như mặt ngựa, mặt chim, nhìn chung có nét hung dữ, kỳ quái như một đầu có nhiều mặt. Ngoài cùng là 2 pho tượng đá cùng phong cách 2 pho tượng đá ở tòa Trung đường.

Các cao niên ở Ngọc Trì nói rằng, thời thuộc Pháp, giặc vào cậy các móng chân dát vàng của pho tượng, chúng dùng cả đèn khò nhưng vẫn không lấy được vàng. Năm 1916, vị tiên chỉ trong làng là ông Nguyễn Trinh Cán - giữ chức Tu soạn Viện Hàn lâm triều Nguyễn, nhận thấy tượng đồng bị rỉ sét nên đã thương thảo với các chức sắc trong làng và thuê thợ dùng sơn ta pha thành màu đen sậm để sơn tượng. Điều đó cũng giải thích vì sao bức tượng có màu đen huyền, mà không phải màu đồng thau.

Hàng năm, vào ngày 3/3 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh của Huyền Thiên Trấn Vũ, ngày 9/9 là ngày hóa của ngài. Ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian đặc biệt không đâu có, là trò kéo co luồn dây qua lỗ cột (kéo co ngồi). Các tráng đinh đóng khố chít khăn điều chia làm 2 phe “mạn đường” và “mạn chợ”.

Những huyền thoại về vị thánh sức mạnh

Ngoài bảo vật quốc gia Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Trấn Vũ thôn Ngọc Trì, bức tượng cùng tên ở đền Quán Thánh, phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) cũng được công nhận bảo vật quốc gia, với những nét đặc trưng của Đạo giáo và tứ trấn Thăng Long.

Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đền Quán Thánh nguyên có tên gọi là Trấn Vũ quán hay Chân Vũ quán, được xây dựng từ rất sớm gắn với thời kỳ phát triển của Đạo giáo ở Việt Nam từ thời Lý Thái Tổ.

Từ đời Lê trung hưng, do Đạo giáo suy thoái, những đạo quán bị Phật giáo hóa, trở thành chùa. Bên cạnh tượng các thánh của Đạo giáo còn có thêm tượng Phật. Trấn Vũ quán có tượng Trấn Vũ quá lớn nên vẫn giữ được bản chất đạo quán.

Theo truyền thuyết dân gian, Huyền Thiên Trấn Vũ có công phù trợ trong ba lần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lần thứ nhất, khi vua Hùng Vương thứ 6 chiến đấu với giặc biển cướp phá mà không tướng nào chống cự được.

Huyền Thiên Trấn Vũ đã hóa thân vào một cái gậy đá trong gia đình ông bà già ở Tiên Lạt, xứ Việt Thường, rồi biến thành một cậu bé 7 tuổi. Khi nghe vua cầu người tài đánh giặc, cậu bé đã đánh tan giặc rồi đến ngọn núi Phượng Hoàng hóa thần.

Đời vua Hùng Vương thứ 7, quân phương Bắc do tướng Thạch Linh cầm đầu tràn vào nước ta. Quân của Hùng Vương không chống giữ được, chạy về khu vực Hà Nội. Vua Hùng ban chiếu cầu người tài giỏi ra giúp nước.

Huyền Thiên Trấn Vũ đã đầu thai làm con của một bà mẹ thuộc tổng Vũ Ninh, nói với sứ giả về rèn cho một con ngựa sắt nặng nghìn cân và một roi sắt nặng trăm cân. Thần cùng ba tướng dẫn 3 vạn quân, đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, sau đó đến núi Vệ Linh thì hóa, bay về trời.

Lần thứ ba, khi Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng, hai tướng của nhà Tống sang xâm lược đất nước ta, thần hóa phép thành một cơn cuồng phong làm cho nước sông dâng cao như biển. Thần cao 10 trượng, mặc áo chiến bào vàng, tay cầm ngọn giáo bằng vàng. Quân Tống trông thấy uy nghiêm ấy thì kinh sợ mà tháo chạy.

kham-pha-bi-an-tuong-huyen-thien-tran-vu-6-2368.jpg
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Quán Thánh được đánh giá đồng dạng với bức tượng tại đền Trấn Vũ.

Người tạo tác pho tượng đền Quán Thánh

Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bên trong thánh điện đền Quán Thánh được đúc bằng đồng đen từ đời vua Lê Hy Tông (năm 1677). Bức tượng mặt vuông, râu dài, mắt nhìn thẳng về phía trước, tóc xõa, đầu không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên một tảng đá lớn, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng rùa.

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” rằng: “Quán đúc tượng đồng cao 8 thước 2 tấc, chu vi 8 thước 7 tấc, nặng 6.600 cân, rất linh ứng. Nguyên tên là quán Trấn Vũ.

Bản triều năm Minh Mệnh thứ 2, vua Bắc tuần cho 50 lạng bạc; năm thứ 21 đổi tên, sai quan đến tế, tặng một áo nhung vàng. Năm Thiệu Trị thứ 2, nhà vua Bắc tuần đến thăm, cho một đồng kim tiền lớn, tặng một cái áo nhung vàng, lại cấp cho một biển đồng khắc một bài thơ và một đôi câu đối thêu”.

Sử liệu cũng cho biết, năm 1677 chúa Trịnh Tạc đã cho xuất của, giao cho người con lo việc trùng tu quán Trấn Vũ. Bởi vậy, tại nhà bái đường còn có một tượng nhỏ cũng được đúc bằng đồng, được cho là tượng ông Trùm Trọng - người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này được các học trò của ông đúc để tưởng nhớ công ơn thầy.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu và dựa vào nội dung bài văn khắc trên bia “Trấn Vũ quán bi ký” bức tượng nhỏ chính là tượng Luân Quận công Vũ Công Chấn (1618 - 1698) là người trực tiếp chỉ huy đúc tượng đồng thay cho bức tượng gỗ trước đó. Vũ Công Chấn cũng là tác giả bảo vật bia Điện Nam Giao hiện đang trưng bày trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Các tư liệu lịch sử cho biết, Vũ Công Chấn từng làm đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân. Gia phả Vũ tộc đại tông thôn An Cự, xã Đại An (Vụ Bản, Nam Định) ghi chép Vũ Công Chấn là tổ đời thứ tư của dòng họ, là hậu duệ của Tiến sĩ Vũ Vĩnh Trinh và Hoàng giáp Vũ Duy Thiện.

Năm 14 tuổi, ông theo người cậu vào kinh đô Thăng Long tòng quân. Năm 20 tuổi, giữ ấn tín và của quý ở kho. 25 tuổi làm quản đội binh hữu. Sau này ông được giao xây dựng nhiều công trình làm cầu Luân Giang ở Thanh Hóa; cai quản các bến sông huyện Bạch Hạc; đốc công làm nhà tử (gác tía) và cửa tả phủ chúa, làm điện Nam Giao, làm cầu An Quyết.

Năm 51 tuổi, Vũ Công Chấn đi Cao Bằng dẹp dư đảng nhà Mạc; năm 53 tuổi, làm quan giám trưởng trông coi, giám sát công việc nội phủ nhà vua và được phong tước Luân Quận công. Năm sau, ông đốc công làm cầu Thiên Phúc (Ninh Bình); năm 55 tuổi, theo xa giá phía Nam đi đánh châu Thuận - Quảng.

Khi tròn 60 tuổi, ông làm đốc công xây dựng Trấn Vũ quán, đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, được chúa Trịnh Tạc tới xem và khen thưởng cho dựng tượng ngồi bên trái trong đền, khắc vào nơi thờ là đốc công Luân Quận công Vũ tướng công chỉ chuẩn tòng tự.

Vũ Công Chấn qua đời năm 1698, hưởng thọ 81 tuổi. Triều đình truy phong chức Hữu đô đốc, ban cho tiền cổ 200 quan, giao cho 2 quan tri huyện Nguyễn Trung Bật và Phạm Quang Trân lo việc tế lễ và an táng. Thi hài ông được chôn cất tại quê nhà xã Đại An (Nam Định).

Theo nghiên cứu của GS Trần Lâm Biền, bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đền Trấn Vũ (Long Biên) gần như đồng dạng với bức tượng ở đền Quán Thánh (Ba Đình). Tất cả đều có điểm chung nhằm nhấn mạnh nội lực thánh thiện tiềm ẩn, khiến tín đồ tự tâm tin tưởng. Nhìn chung, đó là những pho tượng đẹp, mang nhiều yếu tố dân gian của người Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.