Điều đó nghĩa là bộ não sẽ khiến cho chúng ta quên đi những thông tin đã không còn cần thiết nữa, những thông tin không liên quan hoặc có thể làm cho chúng ta nhầm lẫn và mất phương hướng.
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa tìm ra đâu là giới hạn của não bộ con người trong khả năng lưu trữ thông tin. Tuy nhiên, bộ não thực sự đã sử dụng năng lượng để khiến chúng ta quên đi điều gì đó bằng cách tạo ra các nơron mới “ghi đè” lên những tế bào tế bào thần kinh cũ hoặc làm suy yếu các kết nối giữa những nơron. Nhưng tại sao não lại thực hiện điều này? Có phải là vì sắp hết chỗ trống?
Trước hết, quên thông tin cũ có thể gia tăng năng suất của chúng ta. Trong nghiên cứu vừa công bố, Richards đã dẫn chứng một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016, khi các nhà khoa học huấn luyện chuột để giúp chúng tìm lối ra trong một mê cung nước. Vị trí của lối ra sau đó bị di chuyển, một số con chuột được sử dụng thuốc giúp nó quên đi vị trí ban đầu. Kết quả cho thấy, những cá thể chuột này đã tìm được lối đi đúng nhanh hơn. Từ thí nghiệm này, hãy thử nghĩ về những lần bạn nhớ sai tên của một ai đó, sau đó điều bạn muốn chắc chắn là xóa bỏ ký ức sai trái đó trong đầu và không nhầm lẫn bất cứ lần nào nữa.
Theo Richards, có sự tương đồng nhất định giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu bạn dạy cho máy tính cách nhận ra những khuôn mặt bằng cách giúp nó ghi nhớ hàng ngàn khuôn mặt khác nhau, tất cả những gì chúng sẽ làm là tìm hiểu toàn bộ các điểm đặc biệt trên một khuôn mặt cụ thể. Sau đó, khi bạn đưa ra một gương mặt mới, hệ thống sẽ không thực sự biết nó là một khuôn mặt bởi nó chưa bao giờ học được các quy tắc chung. Thay vì phải học một khuôn mặt thường có hình bầu dục, 2 mắt, mũi và miệng, những gì AI học được là những hình ảnh này có chữa các con mắt màu xanh, một số thì mắt nâu, một số lại có môi dày…
Não bộ của con người được cho là cũng có thể gặp phải vấn đề tương tự. Richards so sánh điều này với một câu chuyện nổi tiếng có tên “Funes the Memorious”, kể về một người đàn ông luôn sống trong khổ sở vì sở hữu một trí nhớ hoàn hảo. Funes có thể nhớ mọi thứ một cách vô cùng chi tiết nhưng trớ trêu thay, ông lại không hiểu gì về chúng. Để khắc phục vấn đề này, các nhà nghiên cứu AI đã sử dụng một kĩ thuật được gọi là “regularization” với khả năng buộc hệ thống trí tuệ nhân tạo phải quên đi một số chi tiết. Sau cùng, những gì máy tính học được chỉ là những thông tin cốt lõi: Khuôn mặt là gì, một con chó có gì khác so với một con mèo...
Trên thực tế, những kí ức theo sự kiện có xu hướng mất đi một cách nhanh chóng theo thời gian, nhưng dù gì thì việc nhớ xem vào thứ tư cách đây 6 tuần bạn mặc chiếc áo màu gì cũng chẳng mấy hữu ích. “Nguyên tắc của não là nó sẽ quên đi mọi thứ trừ những ký ức có ấn tượng mạnh”, Richards nói. Ví dụ, sự kiện đó có thể là khi bạn bị thương do ai đó tấn công. Ký ức này có thể gắn bó với chúng ta suốt đời bởi não bộ muốn chúng ta phải ghi nhớ và tránh khỏi mối đe doạ đó.
Đây chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thể sinh tồn. Sau cùng, Richards cho biết, chúng ta thường nghĩ rằng trí nhớ là một thứ gì đó tốt đẹp nhưng “đến cuối ngày, não bộ chỉ lưu lại những gì tốt cho sự sống của chúng ta theo góc độ tiến hóa”. Nói cách khác, trải qua rất nhiều năm phát triển, não bộ đã tiến hóa để chỉ có thể lưu giữ những gì có ích cho sự sống sót. Vì vậy, việc bạn hay quên điều gì đó có thể không phải là lỗi mà đó là một chức năng của não.