Khám chữa bệnh từ xa, bước tiến mới của ngành y tế
Mục tiêu của khám chữa bệnh từ xa được xác định là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Theo đó, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện tuyến dưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, để qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn. Bên cạnh đó, Đề án khám chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2.
Tức là một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.
Theo ông Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đề án Khám chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử tập trung vào thay đổi phương thức chi trả dịch vụ y tế và vấn đề sử dụng công nghệ trong y tế. Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại cơ sở y tế.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị bác sĩ giỏi của các bệnh viện dành tối thiểu 60 phút mỗi ngày để hỗ trợ tuyến dưới. Các bệnh viện cần chọn, mời chuyên gia giỏi để thu hút người nghe và thông báo cho toàn tuyến.
Là đơn vị được giao đầu mối hướng dẫn triển khai đề án Khám chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khoẻ điện tử, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, đây là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn tất cả các Bộ, Ngành đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều bệnh viện tuyến đầu tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa
Theo đề án sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh từ xa. Những bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ nhận được sự hỗ trợ trực tiếp đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh.
Trong giai đoạn đầu 2020-2021, đề án tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có người bệnh sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
Giai đoạn 2021-2025, đề án tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai mô hình khám, chữa bệnh từ xa. Đến nay, đã có 10 bệnh viện tuyến Trung ương triển khai dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Ngày 11/9/2020, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chính thức đưa hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vào phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh cho trẻ em và đào tạo cán bộ y tế tại cơ sở theo hình thức trực tuyến.
Ngày 27/8/2020, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.
Ngày 31/8/2020, Bệnh viện K tổ chức khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa liên quan đến điều trị các bệnh ung bướu.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện thứ 10 tuyến Trung ương đã triển khai dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, khai trương Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa.