Khắc phục điểm yếu, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

GD&TĐ - 25 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) và sau hơn 2 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Việt Nam đạt được kết quả đáng ghi nhận. 

Khắc phục điểm yếu, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

83,4% dân số tham gia bảo hiểm là minh chứng cho những nỗ lực của ngành bảo hiểm, y tế trong việc huy động người dân tham gia và nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh.

Tỷ lệ tham gia không đồng đều

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc vận động người dân tham gia BHYT. Thống kê của bảo hiểm xã hội thành phố cho thấy, năm 2015 thành phố có 5.480.163 người tham gia BHYT, năm 2016 con số trên là 5.860.941 người, tăng 6,9% so với năm 2015. 6 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc cũng có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm cao. Tính đến tháng 9/2017, số người tham gia BHYT khu vực này là 4.395.172 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 96,2% so với số dân vùng, đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Bên cạnh những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia ngày một tăng thì cũng có tỉnh, thành lại sụt giảm.

Về đối tượng tham gia BHYT, phần lớn người lao động thuộc diện được đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ tiền đóng tham gia đầy đủ, bền vững. Chỉ còn một số cơ sở nhỏ lẻ còn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động.

Riêng với nhóm đối tượng là hộ gia đình làm nông lâm ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình có tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình vẫn còn thấp, nhất là các đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ. HSSV cũng là đối tượng mà tỷ lệ tham gia có dấu hiệu chững lại ở một số nơi, đặc biệt là HSSV cuối cấp.

Nhìn vào thực tế để khắc phục

Một trong những nguyên nhân khiến người lao động tự do, nông dân, ngư dân, diêm dân chưa mặn mà với BHYT do thủ tục hành chính. Theo quy định hiện hành, việc tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình sẽ được trừ phần trăm từ người thứ 2 trở đi nên chỉ cần một thành viên không tham gia thì những người còn lại trong hộ cũng không mua được bảo hiểm dù có nguyện vọng. Đây là bất cập lớn, làm khó nhiều người bởi đôi khi kinh tế chưa đủ để mua cho các thành viên hoặc 1 thành viên đi làm ăn xa…

Vướng mắc tiếp theo khiến người dân còn “lăn tăn” với bảo hiểm là Luật quy định người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng và với tỷ lệ tương ứng là 40%, 60%, 70%. Như vậy, chỉ khi người tham gia BHYT đi KCB không đúng tuyến tại các bệnh viện mới được hưởng quyền lợi BHYT.

Nhưng trên thực tế, hệ thống các cơ sở KCB rất đa dạng, ngoài bệnh viện còn có các viện, các trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Như vậy, quy định này gây khó khăn trong triển khai và ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT…

Thực hiện BHYT toàn dân cũng tính đến giải pháp hỗ trợ cho các nhóm đối tượng. Đó không chỉ là nông dân, ngư dân, diêm dân mà đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ di cư từ vùng nông thôn lên thành phố lớn mà chưa đăng ký tạm trú cũng cần được giúp đỡ.

Thời gian thực hiện phổ cập BHYT toàn dân không còn dài trong khi đối tượng chưa tham gia bảo hiểm lại khó khăn về kinh tế hoặc khó vận động và đôi khi là chưa có niềm tin với bảo hiểm. Do vậy, liên ngành bảo hiểm - y tế cần rà soát hệ thống văn bản, cung cấp dịch vụ để có điều chỉnh kịp thời, hợp lý. Đó là những quy định rườm rà, làm khó người dân trong việc tiếp cận với thẻ bảo hiểm.

Mặt khác, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác nên cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BHYT. Nghiên cứu xây dựng quy chế chi trả từ nguồn quỹ BHYT cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, thẻ y tế thông minh, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia…

Để bao phủ toàn dân, việc huy động khoảng 17% dân số còn lại tham gia bảo hiểm là điều không đơn giản, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, trong đó ngành bảo hiểm phải đi đầu trong việc khắc phục hạn chế, tạo mọi điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.