Tại đây, hai Sở đã có những trao đổi, kiến nghị liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh như bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, các bệnh không lây như béo phì, vẹo cột sống, tật khúc xạ mắt…
Theo thông tin từ phía Phòng công tác phòng Chính trị Tư tưởng-Sở GD&ĐT, đến thời điểm ngày 22/10, Phòng nhận được báo cáo từ phía các cơ sở GD là 141 ca mắc bệnh tay chân miệng. Hầu hết số ca xảy ra nhiều ở các trường tiểu học.
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố phát hiện 82 ổ dịch tay chân miệng với 503 ca mắc. Trong đó chấm dứt được 53 ổ với 224 ca và còn 29 ổ đang theo dõi.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi…đại diện Sở Y tế cũng yêu cầu ngành GD chỉ đạo các trường rà soát lại các dụng cụ ăn, uống của trẻ. Chỉ đạo các trường trang bị đầy đủ bồn rửa tay, theo đó, không chỉ yêu cầu trẻ rửa tay mà còn yêu cầu cả người lớn, đặc biệt người trực tiếp chăm sóc, phục vụ trẻ ăn uống rửa tay đầy đủ, đúng cách.
Tăng cường cung cấp kiến thức phòng dịch cho giáo viên, truyền thông cho phụ huynh bằng nhiều kênh khác nhau để các bên cùng tham gia phòng chống dịch bệnh.
Cũng tại cuộc họp, tình trạng bệnh không lây trong học đường được nhiều ý kiến nêu ra. Theo đó, đại diện Sở GD&ĐT lo ngại về tình trạng béo phì của học sinh, bệnh vẹo cột sống, tật khúc xạ mắt… có chiều hướng tăng. Cho nên ngành giáo dục rất mong ngành y tế có sự hỗ trợ hơn nữa trong phòng chống các loại bệnh này.
Liên quan đến bệnh béo phì của học sinh, đại diện Sở Y tế cho biết, dự kiến thời gian tới Sở Y tế và Sở GD&ĐT sẽ ký liên tịch về xây dựng kế hoạch can thiệp bệnh không lây trong học đường, đối tượng tham gia là học sinh trong độ tuổi đến trường.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng giao Trung tâm Y tế dự phòng làm đầu mối mời các chuyên gia khám, đánh giá tỷ lệ tật khúc xạ, cong vẹo cột sống cho học sinh. Phải có kế hoạch thực hiện, khảo sát, đánh giá nhằm phục vụ công tác khám sức khỏe HS được tốt hơn.