Khai trường mùa dịch: Phụ huynh, thầy cô cùng đồng hành

GD&TĐ - Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác đều chốt ngày khai giảng vào 5/9. Điểm khác biệt năm nay, hầu hết học sinh dự lễ khai giảng và bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến.

Học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020. Ảnh tư liệu
Học sinh tiểu học tại TP Hồ Chí Minh trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020. Ảnh tư liệu

Tổ chức lễ khai giảng trực tuyến trang trọng, nhưng tạo được ấn tượng, cảm xúc vui vẻ là điều các trường đang hướng tới.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) - cho biết: Nhà trường đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng cho ngày khai giảng, năm học 2021 – 2022.

Trường tổ chức giao lưu trực tuyến với học sinh và phụ huynh trước. Đặc biệt với lớp 1, giáo viên chủ nhiệm sẽ dành 1 tuần để làm quen, tạo sự gần gũi, thân thiện.

“Giáo viên sẽ giới thiệu về nhà trường, thầy cô và lớp học, các hoạt động trải nghiệm bổ ích thông qua những hình ảnh, video. Sau phần khai giảng chung, cô giáo sẽ tổ chức một số trò chơi vui nhộn qua phần mềm Zoom”, cô Thủy chia sẻ.

Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chuẩn bị kỹ lưỡng từ chương trình đến kế hoạch. Theo cô Nguyễn Minh Uyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngày 29/8, trường họp phụ huynh học sinh đầu năm học, để tuyên truyền, hướng dẫn cho các bậc cha mẹ nắm bắt được nội dung buổi khai giảng và hoạt động giáo dục, từ đó làm công tác tư tưởng cho con.

“Những năm trước, học sinh được trực tiếp đến trường, nhưng năm nay khai giảng diễn ra đặc biệt. Nhiều em chắc chắn đã biết về tình hình dịch bệnh, lễ khai giảng trực tuyến thông qua các phương tiện truyền thông. Do đó, tôi cho rằng, bản thân học sinh cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Chúng tôi cố gắng để buổi lễ diễn ra như trực tiếp, các em vẫn mặc đồng phục, chào cờ, hát Quốc ca, giao lưu, gặp gỡ qua màn hình. Không khí ngày lễ trang trọng, nhưng không mất đi nụ cười trên môi học sinh” - cô Uyên nói.

Với bậc học mầm non, do trẻ còn nhỏ, chưa đủ nhận thức nên giáo viên và phụ huynh phải là người bạn đồng hành, gợi mở cho trẻ hiểu hơn về ngày lễ đặc biệt này. Theo kế hoạch, 7 giờ 30 phút ngày 5/9, các trường học trên địa bàn Thủ đô đồng loạt tổ chức lễ khai giảng. “Dù trẻ mầm non không thể học trực tuyến nhưng các trường vẫn tổ chức lễ khai giảng để các con có cảm nhận về ngày khai trường”, cô Đình Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương (Thanh Xuân – Hà Nội) thông tin.

Các trường đã tổ chức làm quen, định hướng cho học sinh về tầm quan trọng của ngày khai giảng. Ảnh tư liệu: Hoàng Sơn
Các trường đã tổ chức làm quen, định hướng cho học sinh về tầm quan trọng của ngày khai giảng. Ảnh tư liệu: Hoàng Sơn

Không thể thiếu sự đồng hành của gia đình

Năm học 2021 - 2022, học sinh THCS và THPT tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu năm học từ 6/9 (thực học), tiểu học bắt đầu năm học từ ngày 20/9, trẻ mầm non đợi có thông báo mới của thành phố để bắt đầu học lại.

Do diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp nên hầu hết các trường tiểu học quyết định không làm lễ khai giảng năm học mới, thay vào đó dành thời gian cho công tác chuẩn bị đồ dùng học tập, hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách học trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11 (TPHCM) - chia sẻ: Công tác chuẩn bị cho việc học trực tuyến của học sinh và giáo viên đang gấp rút thực hiện. Ngoài việc kiện toàn và bổ sung đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh trong thời gian sớm nhất, ưu tiên hàng đầu của trường hiện nay là gia cố và tăng dung lượng đường truyền Internet để học sinh có thể học trực tuyến qua các nền tảng như Microsoft Teams, Google Meet, Zoom…

“Một năm học đặc biệt và quá nhiều khó khăn với ngành Giáo dục. Rất may, chúng tôi nhận được sự đồng hành và chia sẻ rất lớn từ phụ huynh. Sau buổi tương tác mới nhất giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh các khối lớp qua Zalo, chúng tôi nhận thấy phụ huynh hiểu việc phải đồng hành cùng con học online. Công tác chuẩn bị về đường truyền Internet dung lượng cao đã được Viettel hỗ trợ đến từng giáo viên. Với phụ huynh khó khăn, chúng tôi đang bàn giải pháp hỗ trợ” - cô Hương trao đổi.

Chị Vũ Thị Anh Đào có con vào lớp 1 Trường Tiểu học Phong Phú, TP Thủ Đức (TPHCM) khá băn khoăn khi lớp 1 con phải học online. Tuy nhiên, sau buổi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm qua chat nhóm, mọi lo lắng phần nào được giải tỏa.

“Trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội như hiện nay, không còn giải pháp nào khác ngoài học online. Tôi băn khoăn vì ở độ tuổi của con mình, học online một mình gần như là không thể. Nhưng khó khăn chung, mình không đồng hành cùng con thì ai vào đây.

Do đó, vợ chồng tôi lên kế hoạch sắp xếp công việc để có thể học cùng con ngay những ngày đầu tiên dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Tôi tin với các tình huống sư phạm mềm mại, nhẹ nhàng cùng xây dựng các bài giảng khoa học, gần gũi thông qua các video của giáo viên, học sinh sẽ bị hút theo các hoạt động, qua đó tiếp cận được các nền tảng đầu tiên của lớp đầu cấp” - chị Đào chia sẻ.

Nhìn nhận vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng trong việc học online của trẻ lớp 1, bà Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4 (TPHCM) - cho hay để đồng hành và tương tác thật tốt với phụ huynh, học sinh, phòng yêu cầu các trường tiểu học tuyển chọn giáo viên giỏi, vững chuyên môn đứng lớp 1 để xây dựng kế hoạch môn, bài học và tổ chức ghi hình.

“Chất lượng chưa phải là mục tiêu chúng tôi đề ra với các trường. Điều quan trọng nhất là qua các hoạt động vừa chơi vừa học, giáo viên dần hình thành thói quen cho học sinh. Cộng với sự hỗ trợ, tương tác giúp đỡ thêm của phụ huynh, tôi tin những khoảng cách trong việc học online sẽ được thu nhỏ lại”, bà Hà nói.

TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nêu quan điểm: Tổ chức lễ khai giảng, học bằng hình thức trực tuyến có hạn chế nhất định so với trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, phương án trên có tính khả thi nhất, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Muốn tạo cảm xúc cho trẻ, đặc biệt với học sinh bậc mầm non, tiểu học phải chuẩn bị nội dung, hình ảnh ấn tượng. Ngoài ra, phụ huynh và thầy cô nên làm tư tưởng trước cho các em.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội), phụ huynh đứng hỗ trợ, cũng được yêu cầu phải mặc trang phục lịch sự. Ngoài việc theo dõi truyền hình, các trường tổ chức quản lý lớp qua phần mềm Zoom. Học sinh thực hiện đúng nghi lễ khai giảng khi chào cờ, nghiêm trang khi nghe đọc thư chúc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thấy được tầm quan trọng của buổi lễ, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào năm học mới.

“Trong thời gian này, bố mẹ nên thường xuyên nhắc đến ngày khai giảng, kể về kỷ niệm của bản thân, khích lệ con em bằng nhiều cách khác nhau... từ đó kích thích cảm xúc, trẻ sẽ háo hức và mong chờ trải nghiệm.
Trong ngày khai giảng, cha mẹ nên chuẩn bị đồng phục cho con giống như đi dự buổi lễ trực tiếp, để trẻ cảm nhận được không khí, tầm quan trọng của buổi lễ”. - TS Vũ Thu Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.