Khai trừ khỏi Đảng Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện

GD&TĐ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Kon Plông chỉ đạo việc lập và ký khống hồ sơ, chứng từ bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện bị khai trừ khỏi Đảng do để xảy ra nhiều sai phạm.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện bị khai trừ khỏi Đảng do để xảy ra nhiều sai phạm.

Ngày 4/11, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kon Tum đã xem xét, thống nhất kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với ông Phan Ngọc Vinh, Phó Bí thư Chi bộ Phòng NN-PTNT, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông.

Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy nhận thấy ông Phan Ngọc Vinh có khuyết điểm, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Bên cạnh đó ông Vinh đã thực hiện không đúng chủ trương của UBND huyện Kon Plông trong việc tổ chức ươm giống hồng đẳng sâm và trực tiếp chỉ đạo việc lập và ký khống hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán.

Vi phạm của ông Phan Ngọc Vinh gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và làm giảm uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó, UBKT Tỉnh ủy Kon Tum quyết định thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với ông Vinh.

Trước đó, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Ngọc Vinh để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định năm 2020, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ươm giống, cấp phát giống hồng đẳng sâm cho người dân các xã Măng Cành, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) ông Vinh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, tài liệu để thanh quyết toán số tiền hơn 372 triệu đồng. Qua đó, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông, Báo GD&TĐ đã có bài phản ánh về việc năm 2020, huyện Kon Plông triển khai thực hiện “Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo địa phương” trên địa bàn xã Đăk Ring, xã Đăk Nên, xã Ngọk Tem và thị trấn Măng Đen với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng.

Theo đó, có 857 con giống được hỗ trợ cho 278 hộ dân. Dự án được triển khai thực hiện với mục tiêu là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020.

Đối với giống heo cấp cho người dân, các chủ đầu tư dự án (UBND các xã, thị trấn) ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông để cung cấp giống.

Tuy nhiên sau khi kí hợp đồng, Trung tâm này lại ký với 1 hộ dân khác để thu gom heo giống từ nhiều khu vực khác nhau, như: TP Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông, H’Drai... và không có hồ sơ về nguồn gốc con giống.

Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Kon Tum xác định, số heo dự án đã chết là 690/857 con (trên 80%), 37 con đã bán và làm thịt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ