Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, khoáng sản được coi là lương thực của các ngành công nghiệp, các nước khác đều đi khắp thế giới để tìm mua, thậm trí dự trữ, trong khi đó nguồn khoáng sản của Việt Nam lại chưa được hạch toán hết giá trị, chưa có chiến lược, quy hoạch để khai thác trong ngắn, trung và dài hạn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (đoàn HN) (người đứng): "QH có vai trò gì trong chiến lược khai thác tài nguyên, khoáng sản?" (ảnh: gdtd.vn). |
Quy hoạch là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong quản lý tài nguyên khoáng sản và cần phải có quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để bảo đảm sự tập trung, thống nhất quản lý khoáng sản và tổ chức hoạt động khoáng sản theo quy hoạch chung, phù hợp với Chiến lược tài nguyên khoáng sản quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, thăm dò, khai thác một cách hợp lý cả trước mắt và lâu dài, bảo vệ cảnh quan, môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều đại biểu thống nhất với quan điểm của Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Bộ Tài nguyên - Môi trường lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước.
Bộ Tài nguyên - Môi trường được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản nên giao cho Bộ này lập Quy hoạch về thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước sẽ thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.
Bộ Tài nguyên - Môi trường là cơ quan tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; lập Chiến lược tài nguyên khoáng sản; khoanh định và công bố khu vực khoáng sản; cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; thanh tra hoạt động khoáng sản, do đó việc giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm quyền lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để trình Thủ tướng phê duyệt sẽ bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ và tính khả thi cao.
Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) đó là đưa vào nội dung quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác (ảnh: gdtd.vn). |
Sau đó, căn cứ vào các quy hoạch này Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của ngành mình trên cơ sở tính toán cân đối các nguồn cung khoáng sản trong nước và ngoài nước để đảm bảo mục tiêu sản xuất của ngành.
Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao phần đổi mới ở dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) đó là đưa vào nội dung quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác: như vấn đề ưu tiên sử dụng lao động địa phương; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản; đặc biệt, Nhà nước có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác...
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, đó chỉ là chính sách dành cho những khu vực đã có hoạt động khai thác khoáng sản.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nhận định, hiện nay, người dân quanh khu vực khai thác khoáng sản chưa được hưởng quyền lợi gì trong việc khai thác khoáng sản. Môi trường nơi họ sinh sống đang yên bình, trong lành, bỗng chốc bị đào bới tung lên bởi những nhà khai thác khoáng sản. Chính vì vậy, theo tôi các nhà đầu tư khi đưa ra các dự án khai thác khoáng sản phải có các dự án hỗ trợ đi kèm.
Đại biểu Quốc hội Danh Út (đoàn Kiên Giang) kiến nghị phải gắn trách nhiệm cụ thể, không chung chung như trong dự thảo luật để doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm với người dân và môi trường nơi có khoáng sản được khai thác.
Quang Anh