Đa số giáo viên đều cho rằng, khó có thể làm cho học sinh hiểu được thấu đáo bản chất tiến hoá vì đây là phân môn đòi hỏi vận dụng kiến thức nền của nhiều phân môn khác như di truyền học, di truyền học quần thể, sinh thái học, cổ sinh vật học, ... cùng với hiểu biết thực tế của cả giáo viên và học sinh.
Phần lớn học sinh đều “sợ” học tiến hoá, đều học tiến hoá theo kiểu học thuộc lòng, nhưng vì không hiểu bản chất vấn đề nên rất khó học thuộc lòng được.
Và từ sợ học đến chán học chỉ là một bước rất ngắn. Khi học sinh đã chán học thì giáo viên cũng không còn hứng thú để giảng bài, làm cho học sinh càng chán học hơn. Thực tế này đòi hỏi phải có đổi mới trong phương pháp dạy và học phần tiến hoá
Trong quá trình giảng dạy phần tiến hoá, một số bài cô Nguyễn Thị Thoa tổ chức giờ học theo hướng khuyến khích học sinh tự học, tự tìm hiểu thì đạt được hiệu quả cao hơn.
Tất nhiên để làm được điều này cần điều kiện học sinh chuẩn bị bài kĩ trước khi đến lớp và biết vận dụng kiến thức cũ, đặc biệt kiến thức di truyền học.
Cụ thể, với bài Học thuyết tiến hóa cổ điển (Bài 35, Sinh học 12 nâng cao), cô Nguyễn Thị Thoa đã hướng dẫn học sinh khai thác kênh hình để học hiệu quả bài học này. Kết quả thu được rất khả quan.
Cách thực hiện cụ thể được cô Thoa chia sẻ như sau:
Chuẩn bị của giáo viên và học sinh trước giờ học
Khi học xong bài 34, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh đọc trước bài 35, quan sát hình 35, trang 141 (có thể tham khảo một số tranh khác) và trả lời các câu hỏi:
1. Hình 35 minh họa nội dung gì?
2. Nhận xét về hình thái (cổ) của các con hươu trong quần thể ban đầu.
3. Đặc điểm cổ cao của hươu có trước hay sau khi môi trường sống thay đổi?
4. Đặc điểm cổ cao được Lamac và Đacuyn gọi bằng thuật ngữ gì
5. Nguyên nhân xuất hiện đặc điểm cổ cao?
6.Quan niệm của Đacuyn về đặc điểm cổ cao như trong ví dụ của Lamac?
7. Đặc điểm cổ cao có di truyền được (được tích luỹ qua các thế hệ) không?
8. Nhận xét về khả năng sống sót của các con hươu?
9.Vì sao tất cả hươu đều sống sót (theo Lamac)? Vì sao một số hươu bị chết (theo Đacuyn)?
10. Theo quan điểm của di truyền học hiện đại, đặc điểm cổ cao theo quan niệm của Lamac và theo quan niệm của Đacuyn thuộc loại biến dị nào?, có di truyền được hay không?
11. Quá trình phân hoá khả năng sống sót của các cá thể hươu được Đacuyn gọi là gì? Nội dung, cơ sở, tác nhân, động lực, kết quả của quá trình đó?
12. Những điểm còn tồn tại trong học thuyết của Lamac và Đacuyn? Nguyên nhân tồn tại?
13. Lập bảng so sánh quan niệm của Lamac và Đacuyn về nguyên nhân tiến hoá, cơ chế tiến hoá, sự hình thành đặc điểm thích nghi, sự hình thành loài mới.
Một số câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời theo quan niệm của Lamac và theo quan niệm của Đacuyn.
Hoạt động của giáo viên và học sinh trong giờ học
Giáo viên trình chiếu hoặc treo tranh hình 35 SGK 12 nâng cao và các tranh vẽ khác do giáo viên và học sinh sưu tầm;
Học sinh trả lời các câu hỏi; sau đó thảo luận về các câu trả lời của nhau.
Giáo viên giải đáp các mâu thuẫn, các vấn đề học sinh chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng. Thống nhất câu trả lời để đi đến nội dung chính của bài học như sau:
1. Hình 35 minh họa nội dung gì?
- Quá trình hình thành loài hươu cao cổ theo theo quan niệm của Lamac và theo quan niệm của Đacuyn.
2. Nhận xét về hình thái (cổ) của các con hươu trong quần thể ban đầu.
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
Các cá thể đều có cổ ngắn | Đa dạng: cổ ngắn, cổ cao. |
3. Đặc điểm cổ cao của hươu có trước hay sau khi môi trường sống thay đổi?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
Sau khi môi trường sống thay đổi | Trước khi môi trường sống thay đổi |
4. Đặc điểm cổ cao được Lamac và Đacuyn gọi bằng thuật ngữ gì?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
Biến đổi (đặc điểm tập nhiễm) | Biến dị cá thể |
5. Nguyên nhân xuất hiện đặc điểm cổ cao?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
- Thay đổi môi trường sống. - Thay đổi tập quán hoạt động ở động vật. | - Phát sinh trong quá trình sinh sản |
6. Quan niệm của Đacuyn về đặc điểm cổ cao như trong ví dụ của Lamac?
- Là các biến đổi do tác dụng trực tiếp của ngoại cảnh hoặc tập quán hoạt động.
- Có tính chất đồng loạt, định hướng, tương ứng với điều kiện ngoại cảnh.
- Ít có ý nghĩa với chọn giống và tiến hoá.
7. Đặc điểm cổ cao có di truyền được (được tích luỹ qua các thế hệ) không?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
- Được tính luỹ qua các thế hệ | - Được tính luỹ qua các thế hệ |
8. Nhận xét về khả năng sống sót của các con hươu?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
- Tất cả đều sống sót. | - Những con có cổ cao: Sống. - Những con có cổ ngắn hoặc trung bình: Chết |
9. Vì sao tất cả hươu đều sống sót (theo Lamac)? Vì sao một số hươu bị chết (theo Đacuyn)?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
- Ngoại cảnh thay đổi chậm chạp nên sinh vật có khả năng thích nghi kịp thời và không bị đào thải. (Cây cao lên đến đâu, hươu vươn cổ cao theo đến đấy) | - Cá thể mang biến dị có lợi (cổ cao) → lấy được thức ăn → sống sót. - Cá thể mang biến dị bất lợi (cổ ngắn) → không lấy được thức ăn → chết. |
10. Theo quan điểm của di truyền học hiện đại, đặc điểm cổ cao theo quan niệm của Lamac và theo quan niệm của Đacuyn thuộc loại biến dị nào?, có di truyền được hay không?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
- Thường biến. - Không di truyền . | - Biến dị di truyền. - Di truyền được. |
11. Quá trình phân hoá khả năng sống sót của các cá thể hươu được Đacuyn gọi là gì? Nội dung, thực chất, cơ sở, tác nhân, động lực, kết quả, vai trò của quá trình đó?
- Quá trình chọn lọc tự nhiên.
- Nội dung: Vừa đào thải những biến dị có hại vừa bảo tồn, tích luỹ các biến dị có lợi cho sinh vật.
- Thực chất: Phân hoá khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể trong quần thể.
- Cơ sở: Tính biến dị và di truyền của sinh vật
+ Tính biến dị: Cung cáp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên (chủ yếu là các biến dị cá thể)
+ Tính di truyền: Là điều kiện tích luỹ các biến dị có lợi qua các thế hệ.
- Tác nhân: Các yếu tố bất lợi của môi trường.
- Động lực: Đấu tranh sinh tồn.
- Kết quả: Hình thành đặc điểm thích nghi và hình thành loài mới.
+ Chọn lọc tự nhiên diễn ra theo nhiều hướng → phân ly tính trạng → hình thành nhiều loài mới từ một loài ban đầu → nguồn gốc thống nhất của sinh giới.
- Vai trò: Nhân tố chính trong quá trình hình thành đặc điểm thích nghi trên cơ thể sinh vật và sự hình thành loài mới.
12. Những điểm còn tồn tại trong học thuyết của Lamac và Đacuyn? Nguyên nhân?
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn |
- Cho rằng sinh vật có khả năng thích nghi kịp thời với môi trường. (Thực tế, sinh vật chỉ có khả năng điều chỉnh trong phạm vi mức phản ứng của kiểu gen) - Thừa nhận sự di truyền của các tính trạng tập nhiễm. (Theo di truyền học hiện đại, các tính trạng tập nhiễm như vậy là các thường biến, không di truyền được). Cho rằng mọi cá thể trong loài phản ứng theo cách giống nhau trước điều kiện ngoại cảnh mới. (Theo di truyền học hiện đại, chỉ các cá thể có kiểu gen giống nhau mới có thường biến giống nhau.) - Cho rằng trong lịch sử không có loài nào bị đào thải. | - Chưa thành công trong việc giải thích cơ chế tích luỹ các biến dị. |
- Nguyên nhân: Chưa hiểu rõ về nguyên nhân phát sinh biến dị và cơ chế di truyền các biến dị (chưa phân biệt được biến dị di truyền và biến dị không di truyền) |
13. Lập bảng so sánh quan niệm của Lamac và Đacuyn về nguyên nhân tiến hoá, cơ chế tiến hoá, sự hình thành đặc điểm thích nghi, sự hình thành loài mới.
Học thuyết Lamac | Học thuyết Đacuyn | |
Nguyên nhân tiến hoá | - Thay đổi ngoại cảnh. - Thay đổi tập quán hoạt động ở động vật. | - Biến dị phát sinh trong quá trình sinh sản. - Biến đổi do tác động của ngoại cảnh hoặc tập quán hoạt động. |
Cơ chế tiến hoá | - Tích luỹ các biến đổi thu được (tập nhiễm) trong đời cá thể. | - Tích luỹ các biến dị có lợi và đào thải các biến dị có hại cho sinh vật. |
Hình thành đặc điểm thích nghi | - Ngoại cảnh thay đổi chậm, sinh vật có khả năng phản ứng phù hợp. | - Tích luỹ các biến dị có lợi cho sinh vật dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên. |
Hình thành loài | - Loài mới được hình thành từ từ qua nhiều dạng trung gian, tương ứng với điều kiện ngoại cảnh | - Loài mới được hình thành dần dần, liên tục qua nhiều dạng trung gian theo con đường phân ly tính trạng dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên. |
Câu hỏi kiểm tra: Đa số sâu ăn rau có màu xanh lục. Đây là đặc điểm có lợi vì nó giúp sâu khó bị chim ăn sâu phát hiện. Em hãy giải thích sự hình thành đặc điểm thích nghi đó theo học thuyết Lamac và theo học thuyết Đacuyn.
Yêu cầu học sinh nêu được ý chính:
Theo Lamac: Ban đầu, có thể sâu không ăn lá rau và không có màu xanh. Khi chuyển sang ăn lá rau (môi trường thay đổi), sâu phản ứng phù hợp bằng cách biến đổi màu sắc cơ thể thành mầu xanh hoà lẫn với môi trường.
Màu sắc có lợi này được di truyền và tích luỹ qua các thế hệ trở thành đặc điểm thích nghi chung cho loài. (Màu xanh xuất hiện sau khi sâu chuyển sang ăn lá rau)
Theo Đacuyn: Ban đầu có thể sâu không ăn lá rau và trong quần thể sâu có nhiều biến dị với mầu sắc khác nhau. Các biến dị này phát sinh trong quá trình sinh sản. Khi chuyển sang ăn lá rau (môi trường thay đổi), các con sâu có màu xanh lục hoà lẫn với môi trường được chọn lọc tự nhiên tích luỹ, sống sót và sinh sản nhiều hơn.
Màu xanh lục được di truyền và tích luỹ qua các thế hệ trở thành đặc điểm thích nghi chung cho loài (Màu xanh xuất hiện trước khi sâu chuyển sang ăn lá rau).