Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhân sự cấp cao Nhà nước

GD&TĐ - Ngày 20/7/2016, lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. 

Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhân sự cấp cao Nhà nước

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 8 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 29/7/2016), trong đó dành 6 ngày quyết định nhân sự cấp cao Nhà nước.

Xem xét, thảo luận và quyết định vấn đề nhân sự cấp cao Nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp này. Theo đó, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước; bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội cũng Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, rút kinh nghiệm từ khóa XIII, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ có một số điều chỉnh về nghi lễ tuyên thệ.

Theo đó, để đảm bảo tính trang nghiêm, khi các chức danh theo quy định lên tuyên thệ, các đại biểu Quốc hội sẽ đứng, không quay phim chụp ảnh; đoàn chủ tịch cũng không ngồi phía trên mà đứng phía dưới. Ngoài ra, trong lời tuyên thệ, câu “đứng trước cờ đỏ sao vàng...” sẽ được đổi thành “dưới cờ đỏ sao vàng...”.

Khác với các khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa XIV sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử đại biểu Quốc hội để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ