Khai mạc Hội thảo quốc tế về giáo dục hòa nhập

GD&TĐ - Ngày 22/9, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Phát triển chuyên ngành trị liệu hoạt động trong giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập”.

Khai mạc Hội thảo quốc tế về giáo dục hòa nhập

Tham dự có đại diện các bộ, ngành, tổ chức hội, các quan khách quốc tế đến từ Đan Mạch, Nhật Bản, Ấn Độ, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ, Sở GD&ĐT trên cả nước, các nhà quản lí giáo dục, các cộng tác viên, các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật.

Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT và Tổ chức UNICEF Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và Trường Đại học UCC – Đan Mạch.

Đây thực sự là một diễn đàn trao đổi, học hỏi về chuyên môn, khoa học để có được những đề xuất hữu ích cho Bộ GD&ĐT về chính sách, giải pháp, công tác chỉ đạo thực hiện phát triển chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong GD đặc biệt và GD hòa nhập của cả nước.

Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho GD đặc biệt và GD hòa nhập luôn được quan tâm và đã đạt được những kết quả đáng kể cả về số lượng, quy mô và chất lượng.

Riêng Trường CĐSP Trung ương đã và đang đào tạo được hơn 700 giáo viên trình độ cao đẳng phục vụ cho GD đặc biệt và GD hòa nhập mầm non. Tuy nhiên, để tiếp tục đạt được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho GD đặc biệt và GD hòa nhập, cần liên tục đổi mới phương pháp, cập nhật chương trình đào tạo của các nước trên thế giới.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương - cho biết: Trị liệu hoạt động - một ngành đào tạo có lịch sử lâu đời trên thế giới và ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của người khuyết tật, nhưng còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam.

Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển chuyên ngành trị liệu hoạt động trong GD đặc biệt và GD hòa nhập giữa các nhà quản lý GD, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo viên và các chuyên gia trong nước và quốc tế…

Hội thảo sẽ không chỉ đóng góp những kinh nghiệm khoa học cho vấn đề phát triển chương trình đào tạo trong GD đặc biệt và GD hòa nhập mà còn làm phong phú hơn lí luận và thực tiễn của ngành GD đặc biệt tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu GD cho mọi người, chúng ta cần có một đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo, có năng lực và năng động để sẵn sàng tham gia hỗ trợ GD cho mọi trẻ em ở các môi trường GD khác nhau, giúp đảm bảo rằng trẻ được học tập đầy đủ và phát triển tiềm năng từ những giai đoạn đầu đời để trở nên độc lập và sẵn sàng hòa nhập xã hội.

Các tham luận tại Hội thảo đã làm rõ nhiều nội dung như: Thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực trị liệu hoạt động trong GD hòa nhập và giáo dục đặc biệt ở Việt Nam và trên thế giới;

Các cách tiếp cận, chương trình, tài liệu, phương tiện… đào tạo, bồi dưỡng và bài học kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực trị liệu hoạt động về GD hòa nhập và giáo dục đặc biệt trên thế giới và ở Việt Nam; Định hướng phát triển chuyên ngành trị liệu hoạt động trong GD hòa nhập và GD đặc biệt.

 Là một cơ sở đào tạo tập trung vào phát triển nguồn nhân lực có năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn của GD, trong nhiều năm qua Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã thực hiện tốt được vai trò đào tạo gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như bắt kịp xu thế phát triển GD của các nước trên thế giới, đã thực hiện tốt được vai trò thí điểm và phát triển mô hình đào tạo gắn với thực hành của Bộ GD&ĐT.

Hội thảo Phát triển chuyên ngành trị liệu hoạt động trong GD đặc biệt và GD hòa nhập là một sáng kiến của Trường CĐSP Trung ương, nhằm hiện thực hóa các yêu cầu đổi mới và tăng cường năng lực trong đào tạo giáo viên GD đặc biệt; tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trong GD đặc biệt thông qua NCKH và hợp tác quốc tế; khẳng định rõ mục tiêu đào tạo nhân lực giáo viên GD đặc biệt có đủ năng lực chăm sóc, GD, hỗ trợ trẻ trong GD đặc biệt và GD hòa nhập, đặc biệt ở giai đoạn phát triển sớm của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.