Khách hàng của iTel bị đăng ký mạo danh 32 số điện thoại

GD&TĐ - Một người dân đăng ký số điện thoại sử dụng mạng iTel, sau đó phát hiện bị đăng ký khống 32 số khác...

Khách hàng iTel bị đăng ký khống đến 32 số điện thoại.
Khách hàng iTel bị đăng ký khống đến 32 số điện thoại.

iTel xác nhận nhưng chưa làm rõ nguyên nhân

Cách đây vài năm, anh Hoàng Thế T đăng ký 3 số điện thoại di động sử dụng mạng của Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) viết tắt là iTel.

Gần đây, anh đi đăng ký số điện thoại mới của mạng iTel thì tình cờ phát hiện thông tin cá nhân bị sử dụng để đăng ký đến 32 số điện thoại khác cùng mạng.

Trước sự việc trên, anh T đã đến trụ sở iTel tại địa chỉ B018, Tháp The Manor, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phản ánh sự việc.

Ngày 20/1, Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Đông Dương Telecom lập Biên bản làm việc số 01/2022 với khách hàng Hoàng Thế T qua đó khẳng định: “Ngoài 3 số thuê bao ông Hoàng Thế T thực tế sử dụng, các số khác được lấy thông tin của ông Hoàng Thế T để đăng ký đến ngày 20/1/2022 không được sự đồng ý của ông T.

Vì vậy, nhà mạng iTel có trách nhiệm xử lý gỡ thông tin của ông T trên các số còn lại sau khi đã xác minh theo quy trình. Ngoài ra, các vấn đề phát sinh của các số không được ông T đăng ký trên thực tế sẽ không liên quan đến trách nhiệm của ông T”.

Đi kèm biên bản làm việc là danh sách 35 số điện thoại bị đăng ký với tên anh T, trong đó chỉ có 3 số anh T trực tiếp đăng ký, 32 số còn lại anh không đăng ký.

Anh Hoàng Thế T cho biết, không rõ 32 số điện thoại bị đăng ký khống vào lúc nào. Chỉ khi anh đi đăng ký thêm số điện thoại thì nhân viên iTel cho biết là khách hàng đã đăng ký số lượng thuê bao tối đa nên không thể đăng ký thêm. Sau đó, anh T đề nghị nhà mạng cung cấp danh sách số điện thoại đăng ký bằng số chứng minh thư của mình.

“Việc lợi dụng thông tin khách hàng để đăng ký hàng loạt số điện thoại di động như vậy cần lên án. Phía iTel cũng không xin lỗi và chưa chỉ ra nhân viên/đại lý nào đã đăng ký thông tin khống của khách hàng”, anh T cho biết.

Nguy cơ lừa đảo lớn

Theo giới thiệu mạng di động iTel (đầu số 087) - Thương hiệu của Indochina Telecom là nhà mạng triển khai mô hình mạng di động ảo - MVNO (Mobile Virtual Network Operator) tại Việt Nam thông qua thỏa thuận hợp tác sử dụng sóng mạng di động VinaPhone để cung cấp các dịch vụ viễn thông tối ưu về chi phí và trải nghiệm khách hàng...

Anh Hoàng Thế T cho rằng, thông tin cá nhân bị đăng ký khống như vậy có thể dẫn đến hậu quả không lường trước nếu như bị người khác lợi dụng vào mục đích xấu. Đồng thời, nhà mạng iTel và cơ quan chức năng cũng cần làm rõ động cơ của đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của anh để đăng ký khống nhiều số điện thoại.

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải, Công ty Luật TNHH Thái Hà, cho biết: Trong trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền hạn đăng ký khống số thuê bao di động phục vụ mục đích phạm tội và đã cấu thành hành vi tội phạm thì tổ chức, cá nhân đăng ký khống đó có thể bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Trường hợp chưa cấu thành hành vi phạm tội thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật An ninh mạng 2018.

Ông Nguyễn Gia Hải cảnh báo: Thông tin cá nhân có thể bị dùng để đăng ký vay tiền của các tổ chức tín dụng, đăng ký mở tài khoản ngân hàng qua hình thức online, đăng ký các tài khoản thương mại điện tử và các giao dịch qua mạng...

Chuyên gia Nguyễn Gia Hải cho biết: Để vay tiền của các tổ chức tài chính qua hình thức online, khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân, ảnh và 2 số điện thoại của người thân là công ty tài chính có thể giải ngân.

Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, hiện có rất nhiều hình thức vay tín dụng với hạn mức từ vài chục đến cả trăm triệu đồng chỉ bằng cách sử dụng số điện thoại chính chủ với vài thao tác đơn giản như: Nhắn tin xác định thuê bao chính chủ gửi đến nhà mạng, sau đó nhà mạng sẽ gửi lại tin nhắn gồm số chứng minh thư, địa chỉ của khách hàng đã đăng ký.

Tiếp đến, khách hàng chụp tin nhắn của nhà mạng, ảnh chứng minh thư, ảnh cá nhân và 2 số điện thoại của người thân hoặc bạn bè rồi gửi cho công ty tài chính. Hồ sơ sẽ được duyệt trong vòng vài chục phút, sau đó tiền sẽ chuyển về số tài khoản của người đăng ký vay.

Với việc duyệt khoản vay nhanh, nếu nạn nhân không phát hiện kịp thời thì có thể “dính” nhiều khoản nợ trên trời rơi xuống và quá trình giải quyết sau đó gặp nhiều phiền phức, mất thời gian.

Trước đây, cơ quan công an cũng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến giả mạo hồ sơ cá nhân để vay tiền các tổ chức tín dụng. Nhiều đối tượng bị bắt, nhưng hoạt động lừa đảo qua mạng vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, mỗi người cần nêu cao cảnh giác khi thực hiện cung cấp thông tin cá nhân cho người khác và các giao dịch mua bán qua mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.