Rắc rối từ quan điểm
Trong các trường THCS hiện nay chỉ có 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh là không thể dạy chéo, vì đây là các môn đặc thù. Nhưng việc giáo viên các môn này phải chuyển sang dạy Sử, Địa, GDCD, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ… rất phổ biến. Nếu nhìn từ góc độ bộ môn thì giáo viên Toán sang dạy Lý, giáo viên Ngữ văn sang dạy Sử, Địa, Mỹ thuật là chuyện bình thường, vì ít nhiều có sự liên quan. Nhưng nếu nhìn từ góc độ chuyên môn lại không bình thường.
Như chúng ta đã biết, hầu hết sinh viên trường sư phạm chỉ được đào tạo một môn gọi là chuyên môn và ít khi đào tạo môn ghép. Mà nếu có đào tạo môn ghép đi nữa thì tỉ lệ cũng ở mức 70% và 30%. Chính vì vậy sau khi tốt nghiệp, người giáo sinh trở thành giáo viên với một chuyên ngành duy nhất chứ hoàn toàn không phải là giáo viên đa năng. Giáo viên bậc trung học hoàn toàn khác với giáo viên bậc tiểu học cũng là ở chỗ đó. Cũng vì điều này mà khi phân công dạy chéo môn, các trường đều gặp khó khăn. Nếu là người giáo viên có tâm và có tinh thần trách nhiệm thì họ phải bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu cái môn “chéo” ấy may ra mới đảm bảo cho tiết dạy.
Còn nếu gặp người dạy cho có dạy, dạy cho xong việc thì miễn bàn. Có thể nói một điều thực tế: một tiết học chuẩn thời gian là 45 phút nhưng những thầy cô dạy chéo môn đôi khi chỉ sử dụng phân nửa thời gian là hết bài, vì ngoài những điều đã viết trong sách giáo khoa, họ cũng không biết nói thêm gì nhiều, bởi đâu được đào tạo bài bản bộ môn đó. Một khi kiến thức bộ môn vốn đã nghèo nàn, lại ít có sự đầu tư về phương pháp và hình thức tổ chức tiết học thì giờ học thường trôi qua nặng nề, hiệu quả thấp.
Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Nói về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng thấy rõ nhất là ở khâu đào tạo và tuyển dụng. Trong khi hầu hết các địa phương đều dư thừa giáo viên Ngữ văn và Toán, thì các môn khác như GDCD, Âm nhạc, Mỹ thuật lại thiếu khá trầm trọng. Vấn đề dễ thấy là trước đây trường sư phạm tuyển sinh đào tạo các môn Văn, Toán, Lý, Hóa hầu như liên tục các năm, trong khi một số môn khác thì tuyển rất ít và có năm hầu như vắng bóng. Sau khi tốt nghiệp thì giáo sinh các bộ môn này được cơ quan giáo dục tuyển dụng rất nhiều, thậm chí mất cân đối… Thế nên hiện nay vẫn còn tình trạng giáo viên được đào tạo môn này nhưng phải dạy môn khác.
Từ vấn đề thiếu thừa giáo viên cục bộ cho đến việc dạy chéo môn, ta thấy nổi lên hai vấn đề.
- Thứ nhất là vấn đề giáo viên thuyên chuyển từ vùng sâu ra vùng ngoài.
- Thứ hai là nhân lực trường sư phạm đào tạo ra không được sử dụng như mong muốn.
Tiết dạy Nhạc ở Trường THCS Thạnh Hóa, Long An |
Chúng ta thấy rằng, hầu hết giáo viên của các trường vùng sâu là người từ nơi khác đến, dạy được vài năm là có nhu cầu trở về nơi gần nhà. Nhưng khi rút các giáo viên này đi thì lại không bù kịp người khác về cho đủ số lượng và đúng chuyên môn cần thiết. Cho nên các trường vùng sâu hầu như năm nào cũng luẩn quẩn với chuyện thiếu thừa giáo viên.
Bên cạnh thuyên chuyển là vấn đề tuyển dụng. Ta thấy rằng đa phần các trường vùng sâu đều thiếu giáo viên. Giáo viên được trường sư phạm đào tạo ra không có nơi dạy rất nhiều, nhưng các trường thì không có quyền tự chủ về nhân sự. Đợi huyện, đợi tỉnh thì có năm có chỉ tiêu tuyển, có năm không. Như thế tình trạng thiếu vẫn hoàn thiếu.
Để khắc phục vấn đề thiếu thừa giáo viên và dạy chéo môn như hiện nay, cần phải xem lại tất cả các khâu một cách nghiêm túc. Trước nhất, các nhà quản lý giáo dục phải nắm lại nhu cầu về nhân sự một cách thực tế để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy ở các đơn vị trường học. Và nhìn lại lực lượng giáo viên được phân bổ đã hợp lý hay chưa. Sau đó phải có kế hoạch điều chỉnh, điều động nhân sự sao cho thật hợp lý. Tránh nơi thừa nơi thiếu.
Thứ hai, phải có một chiến lược lâu dài từ khâu đào tạo đến tuyển dụng thì mới khắc phục được tình trạng như hiện nay. Khâu đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu của thực tế, nhưng phải nằm trong chiến lược phát triển giáo dục lâu dài. Không thể đào tạo giáo viên theo tính thời sự của nhu cầu tức thời. Tránh tình trạng khi đào tạo xong, nhân sự thì nhiều mà lại không phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Người học xong không có việc làm, trong khi các nhà trường cần người nhưng lại không có. Nói tóm lại khâu đào tạo phải luôn gắn liền với khâu tuyển dụng.
Thứ ba, các nhà quản lý, giáo dục phải tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thuyên chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. Phải có chính sách ưu đãi thiết thực, như tiền lương phụ cấp, nhà ở đối với các trường thuộc vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa với người được thuyên chuyển... Thực tế diễn ra hiện nay là chưa thật hợp lý, cho nên vẫn tồn tại tình trạng có giáo viên chuyển đi mà không có giáo viên mới phù hợp chuyển về, nhiều trường đã khó càng thêm khó.
Thứ tư là tới đây thực hiện Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông tất nhiên sẽ có nhiều sự thay đổi về yếu tố con người. Các cơ quan quản lý giáo dục phải đi trước một bước trong việc đào tạo, tính toán nhân sự để phục vụ cho công tác giảng dạy. Đặc biệt là phải bố trí phù hợp cho công việc.
Khắc phục được vấn đề dạy chéo môn sẽ tạo động lực tích cực nhiều hơn cho cả người dạy lẫn người học. Chúng ta sẽ giảm được tối thiểu chuyện học sinh bỏ học và chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao.