Thông tư 22 có nhiều điểm tiến bộ, nhân văn, phù hợp với xu hướng đánh giá HS của thế giới.
Đổi mới về mục tiêu, yêu cầu
Thông tư 22 có nhiều thay đổi lớn về mục tiêu, yêu cầu, cách thức đánh giá và xếp loại HS. Trước hết, đó là mục tiêu đánh giá: “Nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập theo yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để HS điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên (GV) điều chỉnh hoạt động dạy học”.
Mục tiêu này tiến bộ hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra ở Thông tư 58 năm 2011 về đánh giá HS trung học (Thông tư 58), là nhằm “đánh giá chất lượng giáo dục sau mỗi học kỳ, mỗi năm học nhằm thúc đẩy HS rèn luyện, học tập”.
Về yêu cầu đánh giá, có 6 nội dụng cụ thể: Đánh giá căn cứ yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình GDPT; bảo đảm chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật, và công cụ khác nhau; kết hợp đánh giá thường xuyên và định kỳ; đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng động viên, khuyến khích; không so sánh HS với nhau.
Những yêu cầu này rất cao, nhưng cụ thể, căn cứ đánh giá dựa vào yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình giáo dục, chứ không căn cứ chung chung như Thông tư 58 là dựa vào mục tiêu cấp học; chương trình, kế hoạch giáo dục và điều lệ nhà trường.
Đây là hai thay đổi quan trọng, cho thấy có sự thống nhất giữa mục tiêu, yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của Chương trình GDPT mới gắn với hoạt động dạy, học và đánh giá ở nhà trường. Đánh giá quá trình rèn luyện, học tập của HS sẽ khắc phục tình trạng GV chậm chấm bài, nhận xét, cho điểm, giúp HS kịp thời cải tiến cách học của mình, đồng thời đòi hỏi sự sáng tạo và trách nhiệm của GV trong việc sử dụng phương pháp, kỹ thuật, công cụ đánh giá.
Đánh giá vì sự tiến bộ của HS, động viên, khuyến khích, chú ý năng khiếu cá nhân là tiếp cận nhân văn trong đánh giá mà giáo dục các nước đang thực hiện. Vừa đánh giá bằng nhận xét, vừa đánh giá bằng điểm số, đòi hỏi GV làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, nhưng cách thức này giúp thầy cô tiếp cận với các phương thức đánh giá tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng, đó là đánh giá quá trình, thực tiễn và sáng tạo.
Đánh giá rèn luyện và học tập toàn diện hơn
Điều 5 quy định đánh giá chỉ bằng nhận xét đối với các môn học như Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số với các môn học còn lại. Điều này sẽ làm cho thông tin kết quả đánh giá phản ánh đúng, đầy đủ năng lực của HS, bởi vì điểm số không phản ánh được điểm mạnh, điểm yếu, năng khiếu cá nhân người học. Thực tiễn cho thấy, sự thành công của con người không phụ thuộc môn học mà HS học giỏi ở phổ thông.
Điều 8 quy định, đánh giá rèn luyện một cách toàn diện, là dựa vào mức độ đạt được của HS đối với phẩm chất chủ yếu, năng lực chung quy định trong chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về các năng lực đặc thù quy định trong chương trình môn học. GV chủ nhiệm tham khảo nhận xét HS của GV bộ môn, sự phản hồi của phụ huynh và tự đánh giá của HS để xếp loại cho HS theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Những điểm này khác với trước đây, khi đánh giá hạnh kiểm chỉ dựa vào việc thực hiện nội quy nhà trường, tham gia các phong trào Đoàn, Đội, kết quả học tập và bình bầu trong tổ của HS.
Điều 9, quy định đánh giá các môn học căn cứ vào yêu cầu cần đạt về năng lực quy định của từng môn học, chứ không đánh giá dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng, coi trọng ghi nhớ, kỹ năng giải bài tập, lập luận giải thích vấn đề đặt ra… Việc xếp loại cuối kỳ, cuối năm đối với học tập có 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt, không còn 5 mức Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém như trước đây.
Việc bỏ tiêu chí điểm trung bình chung các môn học sẽ tạo ra tính bình đẳng giữa các môn học, bỏ tư tưởng môn chính, môn phụ, hay lấy điểm môn này bù vào điểm môn kia. Việc đặt ra yêu cầu cần đạt đối với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ dẫn đến HS, GV và phụ huynh chú trọng những môn này và vấn đề dạy thêm, học thêm phát sinh từ đó.
Các mức xếp loại rèn luyện và học tập giống nhau làm cho vai trò của rèn luyện, học tập ngang nhau, khắc phục tình trạng coi trọng học lực, xem nhẹ đạo đức. Nếu HS xếp loại “Chưa đạt”, các em biết rằng, mình còn những điểm cần phải cố gắng, trong khi HS bị đánh giá là “Yếu, Kém”, các em có thể tự ti, mất động lực phấn đấu, ảnh hưởng phát triển lâu dài.
Một số khó khăn khi thực hiện Thông tư 22
Thông tư 22 sẽ tạo ra cơ hội thay đổi lớn, tích cực cho giáo dục trung học. Tuy nhiên, để thực hiện được những quy định của Thông tư vẫn còn nhiều khó khăn.
Đó là việc triển khai đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống giáo dục, trong đó, đặt trọng tâm vào GV - những người trực tiếp đánh giá HS. Hiện nay, một số GV chưa được tập huấn về các công cụ đánh giá trên lớp, ngoài lớp, qua dự án học tập… để vận dụng vào môn học. Và do tác động của đại dịch, GV chưa có điều kiện sinh hoạt chuyên môn, thảo luận về Thông tư mới.
Ngoài ra, với việc xếp loại dựa vào kết quả của các môn học, đòi hỏi HS phải nỗ lực nhiều môn học, từ đó có cơ hội phát hiện sở trường, sở thích của mình. Theo một số chuyên gia giáo dục, để đạt mức “Tốt” phải có 6 môn học đạt trên 8,0 điểm rất phù hợp với HS cấp THCS, còn ở cấp THPT, giai đoạn phân hóa, định hướng nghề nghiệp, yêu cầu như vậy là khó khăn cho HS. Cấp học này nên chăng giảm số môn nhưng yêu cầu cao hơn, xếp loại “Tốt” khi có 5 môn từ 9,0 điểm trở lên, môn học còn lại từ 6,5 điểm; xếp loại “Khá” khi có 5 môn từ 8,0 trở lên, các môn còn lại từ 5,0 điểm.
Một số nơi, phụ huynh, GV có tâm lý đánh giá “nới” để HS lợi thế trong tốt nghiệp và tuyển sinh. Đây là rào cản lớn không thể xóa trong thời gian ngắn. Vì vậy, để thực hiện tốt Thông tư 22, cần có các giải pháp đồng bộ như tập huấn, sinh hoạt chuyên môn trực tiếp hoặc qua mạng nhằm nâng cao nhận thức, nghiệp vụ và trách nhiệm đánh giá cho GV; nâng cao khả năng tự học, tự đánh giá của HS.
Nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cần thay đổi nhận thức và thực hành về mục tiêu, yêu cầu, phương thức, công cụ đánh giá mới; đầu tư cơ sở vật chất, giảm sĩ số trên lớp; Tuyên truyền cho phụ huynh, xã hội biết về thông tư để có sự đồng thuận. Bộ GD&ĐT đổi mới phương thức tuyển sinh THPT, thi tốt nghiệp THPT đồng bộ đổi mới kiểm tra, đánh giá theo phẩm chất, năng lực; việc tuyển sinh ĐH, CĐ giao cho các trường tự chủ theo hướng đánh giá năng lực toàn diện HS.
- Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với những học sinh có đồng thời:
+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;
+ Kết quả học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;
+ Có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Giỏi” đối với những học sinh có đồng thời:
+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;
+ Kết quả học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt;
Đồng thời quy định khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong học tập và rèn luyện.
Ngoài ra, quy định về điều kiện được lên lớp của học sinh tại Thông tư 22 cũng có sự thay đổi. Theo đó, học sinh có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:
- Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;
- Kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;
- Nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 1 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục).