Khắc phục lúng túng lựa chọn SGK

GD&TĐ - Lựa chọn sách giáo khoa trở thành công việc thường niên, quen thuộc tại các địa phương, nhà trường.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Thực hiện quy trình chọn sách theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT đến nay có 3 năm kinh nghiệm với trường tiểu học; số năm kinh nghiệm chọn sách ở THCS là 2 năm, THPT là 1 năm.

Những khó khăn, bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu cơ bản được tháo gỡ. Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật với quy trình chặt chẽ. Theo đó, trên cơ sở đề xuất từ tổ chuyên môn nhà trường, sở GD&ĐT tổng hợp, chuyển cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các trường đề xuất lựa chọn. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa được UBND tỉnh thành lập tổ chức họp, thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các trường đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Năm nay, tiến độ thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa được đẩy nhanh, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền. Cụ thể, ngay từ tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Để tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm tính dân chủ, khách quan, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện nghiêm túc quy định, công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của nhà trường.

Đồng thời, nghiên cứu các sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt; phân tích, đánh giá về quá trình tổ chức và kết quả đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các trường, sự phù hợp của sách giáo khoa với địa phương, cơ sở giáo dục. Tổ chức họp, thảo luận, đặc biệt lưu ý sách có nhiều trường đề xuất lựa chọn trước khi tổ chức bỏ phiếu kín.

Tính đến ngày 10/5, có 37/63 tỉnh, thành phố chọn xong sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11. Thông tin từ Bộ GD&ĐT, còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.

Theo quy định, các địa phương cần hoàn thành việc chọn sách giáo khoa chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tức vào khoảng tháng 4 hằng năm.

Việc chậm muộn trong phê duyệt danh mục sách sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các công việc khác, như “chốt” bộ sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường và thông báo tới phụ huynh, học sinh; phối hợp với nhà xuất bản xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và tổ chức tập huấn hướng dẫn giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới; cung cấp số lượng đăng ký sách giáo khoa cho nhà xuất bản…

Việc thông báo nhu cầu số lượng sách giáo khoa của địa phương chậm muộn, dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản trong cung ứng sách trước thềm năm học mới.

Văn bản quy định, hướng dẫn đã đầy đủ; danh mục sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt sớm; nhà xuất bản cũng cung cấp kịp thời bản mẫu. Bởi vậy tiến độ công việc sớm, muộn tùy thuộc vào sự chủ động của từng địa phương. Hoàn thành sớm, sách giáo khoa được cung ứng đầy đủ, kịp thời; thầy cô thêm thời gian nghiên cứu, dạy thử nghiệm, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp; từ đó có tâm thế tự tin hơn khi bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ