Phế cầu khuẩn (S. pneumoniae) là nguyên nhân hàng đầu gây ra những bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là 4 bệnh: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm tai giữa cấp. Đây là những bệnh có tỉ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em. Uớc tính nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm trên toàn thế giới do phế cầu. Tuy nhiên điều đáng mừng là chúng ta đã có các giải pháp hiệu quả để “khắc chế” phế cầu khuẩn, một trong số đó là chủng ngừa cho trẻ từ giai đoạn sớm.
Gánh nặng và hậu quả
Viêm phổi là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần một triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong ở độ tuổi này. Viêm phổi do phế cầu là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, ước tính tỉ lệ tử vong khoảng từ 10-20%, trên 50% ở trẻ nhỏ hoặc người già.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Việt Nam là một trong 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng về viêm phổi trên toàn thế giới và cũng là môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao”. Triệu chứng bệnh bao gồm: ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm; là những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.
Trong khi đó, viêm màng não do phế cầu là bệnh lý đáng lo ngại ở trẻ nhỏ với 83% trường hợp thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Hậu quả của viêm màng não do phế cầu có thể rất trầm trọng tỷ lệ tử vong tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi là trên 50% trong tổng số trẻ mắc bệnh.
Ngoài ra, trong số xấp xỉ 30-50% có thể qua khỏi cơn nguy hiểm nhưng phải chịu đựng những di chứng lâu dài có thể gây tàn tật như: bị điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém, và bị chứng đau đầu kéo dài. Các triệu chứng của viêm màng não có thể bao gồm: sốt cao, đau đầu, cứng cổ, khóc khi thay đổi tư thế, thóp phồng ở trẻ nhũ nhi, khóc thét, giảm trương lực cơ.
Riêng nhiễm trùng huyết do phế cầu là bệnh cực kỳ nguy hiểm gây tử vong khoảng 20% số ca mắc. Đây là tình trạng thứ phát phổ biến sau viêm phổi phế cầu, xuất hiện trên xấp xỉ 25% tổng số bệnh nhân. Triệu chứng bao gồm: sốt, nhức đầu, đau nhức cơ và ho.
Tuy ít nghiêm trọng hơn nhưng tần suất mắc phải lại cao hơn nhiều so với các bệnh nêu trên đó là viêm tai giữa. Đây là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trước năm 3 tuổi, ước tính có 80% trẻ em sẽ bị ít nhất một lần mắc bệnh viêm tai giữa, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và hơn 1/3 trong số đó sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại (3 lần hoặc nhiều hơn trong 1 năm), đôi khi phải phẫu thuật.
Tỷ lệ trẻ mắc viêm tai giữa cao nhất là ở trẻ từ 6-18 tháng tuổi do vi khuẩn phế cầu khuẩn và vi khuẩn Haemophilus influenzae không định týp (NTHi) gây nên. Viêm tai giữa xảy ra do vi khuẩn lây từ trẻ này sang trẻ khác ở nơi đông người như: trường học, nhà trẻ, khu vui chơi... Triệu chứng thường thấy là có chất dịch trong tai giữa, đau, sốt, chảy mủ tai hoặc mất thính giác làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ, chậm và gây khó khăn trong học tập.
Việc lạm dụng kháng sinh trong công tác điều trị đã gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng tăng. Theo BS. Khanh: “Phế cầu khuẩn ngày càng gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị và tạo áp lực, gánh nặng lên ngành y tế và toàn xã hội khi các loại kháng sinh điều trị ngày càng trở nên kém hiệu quả. Và để điều trị các bệnh do phế cầu khuẩn, phải sử dụng kháng sinh mạnh nhất đồng thời luôn phải phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau”.
Phòng bệnh cho trẻ từ sớm
Theo BS Khanh: “Chúng ta cần xây dựng sự đáp ứng miễn dịch tốt trong cộng đồng, tạo ra môi trường sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú mẹ từ sớm, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế sự gia tăng của đề kháng kháng sinh. Đặc biệt chủng ngừa cho trẻ từ sớm là biện pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh do phế cầu”.
Hiện nay trên thế giới đã có vắc-xin thế hệ mới phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn. Vắcxin này đã được cấp phép sử dụng ở 120 quốc gia trên toàn thế giới, trải qua nghiên cứu lâm sàng cũng như kinh nghiệm sử dụng thực tế tại nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Canada, và các nước tại khu vực Châu Á, Châu Đại Dương và bờ Thái Bình Dương và đã có 40 quốc gia đưa vắc-xin mới này vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Mỗi một liều vắcxin phải trải qua khoảng 520 cuộc kiểm tra chất lượng trước khi được cung ứng đến các thị trường và tin vui là vắcxin này cũng sẽ sớm có mặt tại Việt Nam vào đầu 2015.