Thu nhập khủng của đại ca giang hồ
Như Dân trí đã đưa tin, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Ngô Bá Khá (26 tuổi, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh, được biết đến trên mạng xã hội là Khá "bảnh") để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc. Đồng thời, đang tiến hành mở rộng điều tra đường dây cờ bạc có sự tham gia của Khá "bảnh".
Tại cơ quan công an, Khá thừa nhận hành vi làm clip đưa lên mạng là phản cảm, những clip đó Khá được nhà mạng trả tiền. Nguồn thu nhập từ mạng xã hội mang lại cho Khá thu nhập khoảng 22.000 USD/tháng (tương đương khoảng 500 triệu đồng tiền Việt Nam).
Giống như nhiều cá nhân nhận thu nhập từ Facebook, Google, YouTube, Khá "bảnh" được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh và phải nộp thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế con số thuế thu được từ những cá nhân kinh doanh như Khá "bảnh" chưa phải là nhiều.
Mới đây, Cục Thuế TPHCM đã xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỷ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua Facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh. Sự việc bị phát hiện thông qua đơn tố cáo. Từ đó, ngành thuế đã xác minh tài khoản ngân hàng của cá nhân này và phát hiện doanh thu thực tế trong giai đoạn 2014-2016 lên hơn 439 tỷ đồng.
Sau khi hồ sơ được cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an, cá nhân này mới chịu đến làm việc và xác nhận toàn bộ số tiền này là doanh số bán hàng. Đồng thời, người này cũng tự xác định số thuế khai thiếu và nộp vào ngân sách 9,19 tỷ đồng bao gồm: nộp tiền thuế giá trị giá tăng gần 4,5 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 2,3 tỷ đồng, tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng và tiền chậm nộp hơn 1 tỷ đồng.
Kiểm soát luồng tiền với các triệu phú online ra sao?
Chưa bàn tới vấn đề quản lý nội dung clip trên các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook hay Youtube... con số thu nhập của các nhân vật như Khá “bảnh”, Phú Lê, Dương Minh Tuyền còn đặt ra câu hỏi vậy luồng tiền thu về từ những clip này sẽ được quản lý ra sao?
Tại diễn đàn Thương mại điện tử 2019 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thừa nhận, khung pháp lý của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế phát triển của các loại hình kinh doanh điện tử mới, trong đó có giao dịch xuyên biên giới (như Facebook, YouTube, Google...).
Trong khi đó, số lượng tài khoản kinh doanh qua mạng ngày càng tăng đã và đang là thách thức lớn với cơ quan thuế trong việc quản lý hình thức kinh doanh mới mẻ này.
Để xác định dòng tiền luân chuyển, cơ quan quản lý cho rằng cần có sự phối hợp thông qua ngân hàng và cơ quan thuế. Song hai đơn vị này vẫn chưa có sự liên kết đủ để kiểm soát vấn đề. Đây cũng là một trong những khó khăn chính đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam
Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế, hiện các ngân hàng thương mại không phải có trách nhiệm cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do vậy, việc những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài, chỉ được phát hiện khi cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.
"Ở Việt Nam có khoảng trên 60 ngân hàng thương mại và có hàng triệu tài khoản, thông tin về tài khoản là bảo mật của khách hàng. Khi có phát sinh những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cơ quan, các ngân hàng sẽ cung cấp trong trường hợp cơ quan thuế yêu cầu", ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) từng chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng trên, trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định, các ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ về các giao dịch thanh toán liên quan đến thương mại điện tử cho cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định được những cá nhân có phát sinh thu nhập chịu thuế.
Ngoài ra, theo ông Huy, tham khảo kinh nghiệm quốc tế như: mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế, đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.
"Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế", ông Huy nói.
Song nhiều chuyên gia lại cho rằng, trên thực tế, hoạt động cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khiến các NHTM tốn nhiều công sức, thời gian nhất, số lượng thông tin cung cấp cũng nhiều nhất từ trước tới nay.
Một số chuyên gia còn lo ngại, quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.
Một số ý kiến cũng lo ngại, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.