Môi trường học tập, sinh hoạt giúp học sinh phát triển toàn diện
Những ngày cuối năm 2024, thầy và trò Trường PTDT nội trú THCS Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang háo hức chờ nhận bàn giao, đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng phục vụ dạy học, các hoạt động giáo dục và khu ở nội trú.
Đây là một trong những đơn vị được thụ hưởng từ Tiểu dự án 1 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của ngành Giáo dục (Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ - PV).
Em Đinh Công Thành (dân tộc Mường), lớp 9, Trường PTDT nội trú THCS Buôn Ma Thuột chia sẻ, sau hơn 3 năm học tập tại trường, đây là năm đầu em thấy có nhiều công trình được xây dựng đẹp, hiện đại và thiết thực như vậy.
"Em là người dân tộc Mường, gia đình ở cuối xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, cách trường hơn 20km. Hồi mới vào học lớp 6, trường cũng có khu nội trú, nơi học tập, sinh hoạt nhưng không được đầy đủ và hiện đại như bây giờ. Hiện nay, sau giờ học, chúng em được chơi các môn thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ theo đam mê vì ở đây có đầy đủ từ sân bóng đá, bóng rổ, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng", em Công Thành nói.
Cũng theo lời em Công Thành, khu nội trú hiện nay rất đẹp, tiện nghi. Nhà bếp luôn sạch sẽ, các em được ăn uống ngon và đầy đủ: "Em cảm ơn thầy cô đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được sinh hoạt, học tập và phát triển năng lực của mình".
Còn cô bạn cùng lớp 9, H' Ni Êban (dân tộc Ê đê) lại thích thú với không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống.
H' Ni cho biết, là người con của buôn làng Tây Nguyên, từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ và già làng truyền đạt về ý nghĩa của không gian văn hóa cồng chiêng gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
"Em rất vui vì trường được đầu tư xây dựng mới nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc. Đây sẽ là không gian để học sinh có năng khiếu văn nghệ học tập, rèn luyện kĩ năng tốt hơn. Từ đó, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống ở trường, ở thành phố và ở tỉnh ngày một tốt hơn. Em cũng mong trường đầu tư nhiều nhạc cụ truyền thống cho các em được thực hành nhiều hơn", em H' Ni bày tỏ.
Không giấu được niềm vui, cô giáo Lê Thị Thu Thủy, người gắn bó với Trường PTDT nội trú THCS Buôn Ma Thuột từ ngày đầu thành lập nói: "Ngày đầu mới thành lập, việc dạy học gặp nhiều khó khăn vì thiếu thốn đủ bề. Đến nay, trường được đầu tư khang trang, thiết bị dạy học đồng bộ chúng tôi phấn khởi, việc dạy học thuận lợi hơn. Các thiết bị hiện đại cũng giúp cô và trò tương tác tốt hơn, học sinh sớm làm chủ được công nghệ và phát triển tư duy sáng tạo tối đa nhất".
Rút ngắn khoảng cách về giáo dục
Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, thầy Bùi Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Buôn Ma Thuột cho biết, sau 15 năm hình thành và phát triển, năm học 2024-2025 này, trường mới được đầu tư nâng cấp toàn diện như vậy.
"Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở GD&ĐT, UBND TP Buôn Ma Thuột, Nhà trường đã được đầu tư cải tạo nâng cấp từ nguồn vốn thuộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đối ứng của địa phương với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Các gói cải tạo, nâng cấp gồm: nhà lớp học kết hợp nhà làm việc, phòng học bộ môn, nhà nội trú học sinh, các nhà vệ sinh, nhà công vụ giáo viên, các công trình phụ trợ khác. Các công trình này cơ bản hoàn thành, chờ nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng", thầy Tiến nói.
Điều mà thầy Tiến cảm thấy phấn khởi nhất, sau nhiều năm phải sinh hoạt "nhờ", đến nay đã có không gian riêng khi trường được đầu tư xây mới 1 nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc.
"100% học sinh của trường là con em người DTTS. Việc dạy học, phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc được thầy cô giáo quan tâm. Nhưng trước đây rất khó khăn vì thầy cô chỉ có thể lồng ghép vào bài học và các đợt sinh hoạt nhờ ở cộng đồng. Nay nhờ dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia, trường được đầu tư xây mới "nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc". Đồng thời, đơn vị cũng đã đấu thầu, mua mới bộ cồng chiêng và các nhạc cụ để giáo viên, học sinh được học tập, sinh hoạt trong không gian truyền thống", thầy Tiến chia sẻ.
Thầy Tiến đồng thời khẳng định: "Việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ Chương trình mục tiêu quốc gia giúp các trường học vùng DTTS rút ngắn dần về khoảng cách chất lượng trong lĩnh vực giáo dục. Các em học sinh người DTTS được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ giáo dục chất lượng cao".
Theo báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk, năm 2024 hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng 10 dự án. Dự kiến, đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ 18 dự án.
Về kế hoạch giải ngân: Tổng số vốn năm 2022 và 2023 kéo dài thực hiện trong năm 2024 là 34.252 triệu đồng, toàn bộ ngân sách Trung ương (NSTW). Trong đó, số vốn giải ngân đến ngày 12/12/2024 là 31.578 triệu đồng, đạt 92,2%.
Tổng số vốn được giao kế hoạch năm 2024 đến thời điểm này là 54.834 triệu đồng, trong đó, NSTW: 35.734 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 19.100 triệu đồng. Số vốn giải ngân đến ngày 12/12/2024 là 24.675 triệu đồng, đạt 45,0%, trong đó giải ngân vốn NSTW: 22.175 triệu đồng 62,0%, vốn ngân sách tỉnh: 2.500 triệu đồng, đạt 13,1%.
-