'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' ngăn học sinh bỏ học

GD&TĐ - Trước thực trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, nhiều trường vùng khó ở Đắk Lắk đã tăng cường phối hợp với gia đình, địa phương để duy trì sĩ số.

Giáo viên vùng sâu Krông Bông vận động học sinh ra lớp.
Giáo viên vùng sâu Krông Bông vận động học sinh ra lớp.

Mỗi năm mất gần 1 lớp

Cô Lưu Thị Lý - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, dù thầy cô nỗ lực, có người còn trích lương, mua xe đạp… cho học sinh, chính quyền các cấp cũng vào cuộc tích cực, song số học sinh nghỉ học mỗi năm gần 1 lớp.

“Trường có sĩ số khoảng 600 học sinh, trong đó 90% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Mỗi năm, có khoảng 30 em nghỉ học, tương đương 1 lớp, chủ yếu là học sinh người Ê đê. Đây là bài toán rất khó giải cho nhà trường”, cô Lý nói.

Thời điểm học sinh nghỉ học nhiều nhất vào cuối học kỳ I và đầu học kỳ II. Cô Lý cho rằng, nhiều em học đến lớp 8, 9 đã trở thành lao động chính trong gia đình. Vì vậy, đến mùa thu hoạch, các em gần như phải nghỉ để phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, do tác động tiêu cực từ sử dụng điện thoại tham gia mạng xã hội và sự buông lỏng quản lý của cha mẹ khiến các em đua đòi, nghỉ học để chơi bời.

“Vừa rồi, có 1 học sinh nữ ở buôn Nia xin học lại lớp 8, nhưng được 2 tuần lại nghỉ (em này năm trước cũng đã nghỉ học giữa chừng - PV). Lý do, không có xe đạp điện. Sau đó, bố mẹ tạo điều kiện mua xe thì lại yêu cầu phải có điện thoại. Khi ban giám hiệu, thầy cô đến động viên thì em trả xe đạp điện và bảo chán học”, cô Lý dẫn chứng đồng thời cho biết thêm, hiện số học sinh THCS trên địa bàn xã chạy theo trào lưu “yêu sớm” gia tăng dẫn đến tảo hôn cũng trở thành nguyên nhân khiến các em nghỉ học.

Tại Trường THCS Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, nguyên nhân học sinh DTTS nghỉ học phần nhiều do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình đông con. “Có những em theo bố mẹ đi làm nương rẫy xa khoảng 20km, thời gian để học gần như không có và thiếu động lực đến lớp. Có gia đình bố mẹ sinh 1986 mà có tới 9 con, lo ăn đã khó thì không thể quan tâm việc học”, thầy Phó Hiệu trưởng Sử Trung Kiên nói và cho biết thêm, qua thực tiễn 6 năm đi vận động học sinh trở lại lớp cho thấy, các em nghỉ học thường do nhận thức của cha mẹ còn thấp. Một số em mất kiến thức căn bản, không có động lực, hứng thú học tập… Với nguyên nhân, thực tế trên khiến mỗi năm Trường THCS Ea Yiêng mất gần một lớp học khi có từ 22 - 30 học sinh nghỉ học.

di-tung-ngo-go-tung-nha-ngan-hoc-sinh-bo-hoc.jpg
TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT triển khai công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc huy động học sinh DTTS tới trường.

Nỗ lực duy trì sĩ số

Thầy Phan Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui, huyện Krông Bông cho hay, trong đợt tuyển sinh lớp 6, đơn vị đã huy động 100% thầy cô “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động cha mẹ cho các em nhập học và ngăn tình trạng học sinh bỏ học. Khi vào học rồi, thầy cô cũng “nhường cơm, sẻ áo” để động viên các em.

Trăn trở lớn nhất của thầy Tuấn là tỉ lệ tảo hôn của học sinh người Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Cùng đó là số cán bộ, giáo viên người DTTS được bố trí công tác tại địa phương còn rất ít.

“Dạy học ở vùng đồng bào DTTS, chúng tôi xác định, trường là nhà, học sinh là những đứa con thân yêu. Khi các em thiếu sách, quần áo, thầy cô đã trích lương, kêu gọi xã hội giúp đỡ. Lúc các em đau ốm, nghỉ học, thầy cô lại cùng trưởng buôn đến nhà, lên tận rẫy để vận động. Nhưng do tập tục, số học sinh người Mông tảo hôn nhiều khiến việc duy trì số luôn gặp khó”, thầy Tuấn chia sẻ.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm vận động học sinh ra lớp, cô Phạm Thị Hương Giang - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Buôn Đôn cho rằng, muốn duy trì sĩ số phải hiểu gia cảnh, tâm sinh lý của học sinh.

“Khi đến nhà học sinh, thầy cô không nói mục đích của mình trước mà hãy lắng nghe phụ huynh. Để họ nói về sự khó khăn là gì, tại sao cho con bỏ học, mong muốn của học sinh... Tìm ra được nguyên nhân thì mới giúp gia đình và học trò vượt qua khó khăn”, cô Giang nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, thực hiện Đề án 1719 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường duy trì sĩ số học sinh.

“Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt, huy động các nguồn lực xã hội - điều kiện quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh”, TS Hiệp nhấn mạnh.

Qua kiểm tra thực tiễn, nhiều trường đã áp dụng các biện pháp tích cực trong việc duy trì sĩ số như: Trực tiếp đến nhà học sinh vận động, thông qua người có uy tín ở buôn làng, chức sắc tôn giáo… Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả, nhà trường vẫn phải là hạt nhân.

“Cần phát huy hết vai trò của các lực lượng trong mỗi nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng, rồi đến công đoàn, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, tổ bộ môn và nhất là giáo viên chủ nhiệm. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mỗi thầy cô và nhà trường phải tạo môi trường học tập vui tươi, tạo hứng thú để thu hút học sinh đến trường”, TS Hiệp nói thêm.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, năm học 2022 - 2023 chỉ riêng cấp THCS có 1.029 em bỏ học. Thế nhưng, đến năm học 2023 - 2024, số này tăng lên hơn 2.000 em, trong đó hơn 1.900 em là người DTTS.

Để giải quyết bài toán này, Sở GD&ĐT Đắk Lắk triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú, THCS về công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc huy động học sinh DTTS tới trường (theo Đề án 1719).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ti vi trong suốt.

8 phát minh ấn tượng nhất

GD&TĐ - Time giới thiệu một số sản phẩm mang tiện ích sáng tạo nhất về quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên công nghệ tiêu dùng...

Cư dân Liberia nô nức theo chân ông già Bayka. Ảnh: Npr.org

Tưng bừng quỷ vũ với Giáng sinh Liberia

GD&TĐ - Cộng hòa Liberia được thành lập vào năm 1822, với mục đích làm nơi định cư cho các nô lệ người da đen mới được giải phóng ở Mỹ hồi hương châu lục.