Đổi mới quản trị nhà trường: Những yêu cầu trong bối cảnh mới

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh giảng dạy trực tuyến đặt ra yêu cầu lãnh đạo các nhà trường, ngành Giáo dục quan tâm hơn nữa đến đổi mới quản trị nhà trường.

Đổi mới quản trị nhà trường gắn liền với phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức. Ảnh minh họa
Đổi mới quản trị nhà trường gắn liền với phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức. Ảnh minh họa

Vai trò của hiệu trưởng

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, cho biết: Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hiệu trưởng phải làm tròn 3 vai là người lãnh đạo, người quản lý, người quản trị. Hiệu trưởng đồng thời thực hiện hài hòa 2 nhiệm vụ: Chấp hành nghiêm túc và sáng tạo chỉ thị của cấp trên; điều hành linh hoạt và quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ.

Khi ở cương vị chấp hành các chỉ thị của cấp trên, hiệu trưởng thể hiện được năng lực tham mưu, biết đề xuất giải pháp, lộ trình, thể hiện các hiểu biết về quản lý, quản trị mà mình có trách nhiệm thực hiện. Đối với cấp trên, người hiệu trưởng thể hiện tinh thần thực thi nhiệm vụ, đề xuất các nhiệm vụ quản lý, quản trị theo mục tiêu ổn định và phát triển.

Mặt khác, trên cương vị điều hành thuộc cấp, hiệu trưởng cần thể hiện được năng lực lãnh đạo, biết vạch ra triết lý hành động và hệ giá trị phải hiện thực. Với cấp dưới, hiệu trưởng thể hiện được tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh lãnh đạo đưa đơn vị vượt qua các thách thức.

Đổi mới quản trị nhà trường là yêu cầu tất yếu để thực hiện Chương trình GDPT mới, từ thực tế, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lạc, tỉnh Phú Thọ, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Cần đổi mới ngay trong bối cảnh nhà trường chuyển sang dạy trực tuyến qua công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Trên cương vị “người cầm cân nảy mực”, thầy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Trước tiên, hiệu trưởng cần nắm bắt “văn hóa” nhà trường vì văn hóa thể hiện đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường.

Hiệu trưởng cần có chiến lược phát triển nhà trường, trong đó thể hiện được tương lai và giải pháp thực hiện; đồng thời, nắm rõ các khái niệm như sứ mạng, lý do tồn tại của nhà trường, đáp ứng nhu cầu học sinh như thế nào… Để làm được điều này, trong vai trò “đầu tàu”, hiệu trưởng phải huy động mọi nguồn lực như nhân lực, tài chính, vật chất, thông tin.

Khi tiếp cận Chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Anh Tuấn đã tham gia bồi dưỡng, tập huấn và xây dựng tư tưởng đổi mới để vận dụng vào thực tiễn. Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Tuấn nêu quan điểm: Hiệu trưởng cần có những năng lực mới để đáp ứng yêu cầu như chuyển đổi quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường; Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

Hiệu trưởng phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm và phát huy hết năng lực cá nhân để đóng góp vào sự phát triển của nhà trường.

Theo thầy Tuấn, một trong những mục tiêu của đổi mới quản trị nhà trường là phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức bởi họ đóng vai trò quan trọng dẫn đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Cụ thể, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được chuẩn hóa, đảm bảo cả về chất và lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống.

Mặt khác, người hiệu trưởng cần trang bị cách nhìn mới về chương trình quản lý giáo dục để giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ. Xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đổi mới quản trị hiệu quả sẽ đi đôi với tổ chức đánh giá xếp loại thi đua một cách khách quan, dân chủ và bảo đảm tính công bằng.

Thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản trị. Ảnh tư liệu: NVCC
 Thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản trị. Ảnh tư liệu: NVCC

Phân biệt vai trò “quản lý” và “quản trị”

Cho rằng thuật ngữ “quản lý nhà trường” đang dần được thay thế bằng cụm từ “quản trị nhà trường”, PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng - đánh giá: Điều này thể hiện tính chất của sự đổi mới nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức, điều hành các hoạt động giáo dục trong mỗi nhà trường theo tinh thần tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình.

Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh trong bối cảnh mới chuyển từ giáo dục có tính áp đặt, dạy học coi trọng mục tiêu kiến thức sang phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, dạy học hướng vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực học sinh. Quản trị nhân sự nhà trường theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, coi trọng việc tạo động lực cho người dạy và người học.

Quản trị tổ chức, hành chính nhà trường theo hướng coi trọng phân công, ủy quyền trên cơ sở “bản mô tả công việc”. Quản trị tài chính nhà trường với việc đa dạng hóa nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường, người đứng đầu cần dựa trên cơ sở coi trọng khả năng sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và dạy học. Quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường coi trọng tự đánh giá mức độ đạt được chất lượng và chủ động tham gia quá trình kiểm định chất lượng, sử dụng kết quả tự đánh giá và kiểm định để cải tiến chất lượng nhà trường. Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

Đánh giá cao những hoạt động đổi mới quản trị nhà trường được các trường phổ thông đang thực hiện, PGS.TS Trần Xuân Bách cũng chỉ ra, trong những năm qua, cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương thường ôm đồm nhiều công tác tổ chức hoạt động chuyên môn của các đơn vị sự nghiệp (nhà trường và cơ sở giáo dục khác).

Nguyên nhân do chưa phân định được chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản trị nhà trường. Hệ quả là cơ quan quản lý không thể tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước; cơ sở giáo dục và giáo viên bị quá lệ thuộc vào cấp trên, thiếu tính chủ động, sáng tạo. Do đó, lãnh đạo các nhà trường, ngành Giáo dục cần không ngừng bồi dưỡng, thay đổi tư duy để quản trị nhà trường hiệu quả, khích lệ tinh thần làm việc của giáo viên.

“Trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường kết nối với nhau qua phần mềm như Zoom, K12Online. Chúng tôi luôn động viên, khích lệ tinh thần thầy cô vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Nhờ các kênh trực tuyến, dù tạm dừng đến trường, công tác quản trị nhân sự, phát triển đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý vẫn diễn ra thuận lợi”, thầy Anh Tuấn trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.