Tôi không có nhiều thời gian rảnh. Do đó, ăn bữa trưa ngay tại chỗ làm việc trong lúc mắt vẫn nhìn màn hình máy tính đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường với tôi.
Nhưng gần đây tôi mới nhận thấy, tôi càng ít thời gian ngồi một chỗ và thưởng thức bữa ăn, tiêu hóa của tôi càng tệ. Trước đây, tôi chưa bao giờ bị đầy hơi, táo bón hay tiêu chảy. Nhưng giờ thì đó là vấn đề mà tôi gặp phải.
Nhai thức ăn có phải chìa khóa cho hệ tiêu hóa tốt?
Theo y học cổ xưa của Ấn Độ, việc nhai chậm và kỹ có ý nghĩa thiết yếu đối với sức khỏe tiêu hóa. Mỗi miếng thức ăn bạn nên nhai ít nhất 30 lần cho tới khi nó thành sữa trong miệng. Nhờ vậy, bạn có thể hấp thụ nhiều dưỡng chất hơn từ thực phẩm và tạo cơ hội cho đường ruột hoạt động suôn sẻ hơn.
Còn tôi thì hoàn toàn ngược lại. Nếu tôi có thực tâm để ý thì thường tôi chỉ nhai mỗi miếng thức ăn số lần đủ để tôi không bị hóc nghẹn mà thôi. Có lẽ là 5, tối đa là 10 lần nhai/miếng.
Vì vậy, tôi sẽ thú nhận rằng, toàn bộ chuyện "nhai cho tới khi thức ăn thành sữa" này ban đầu nghe thật quá sức với tôi. Nhưng một số chuyên gia dinh dưỡng hiện đại đã bày tỏ sự ủng hộ đối với động tác đơn giản này.
Hóa ra, có các men tiêu hóa trong nước bọt của bạn. Và "khi bạn không nhai thức ăn cho tới khi chúng thành chất lỏng, bạn đã bỏ qua một phần quan trọng trong quá trình tiêu hóa của cơ thể. Tôi luôn nhắc nhở cộng đồng của mình rằng: "Dạ dày của các bạn không có răng"!", theo Robyn Youkilis – chuyên gia hàng đầu về sức khỏe tiêu hóa và tác giả cuốn sách "Go With Your Gut", người đã đề xuất thử thách nhai 21 ngày.
Thiếu đi hoạt động nhai thức ăn một cách phù hợp có thể dẫn tới các vấn đề về dạ dày như đầy hơi, táo bón và thậm chí trào ngược axit dạ dày - thực quản. Chuyên gia Youkilis giải thích: "Đó là bởi phần còn lại của hệ tiêu hóa phải làm nhiều việc hơn. Bạn có thể cảm nhận tình trạng uể oải sau bữa ăn khi không dành thời gian để nhai sao cho đúng cách".
Nhưng còn hơn cả tác dụng cải thiện tiêu hóa và sống trọn vẹn từng phút giây hiện tại, nhai chậm, nhai kỹ còn giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm soát cân nặng.
Điều gì xảy ra khi tôi nhai mỗi miếng thức ăn từ 30 lần trở lên?
Xét trên vô số lợi ích, tôi quyết định thực hành nhai chậm, nhai kỹ. Thành thực mà nói, tôi không quan tâm nhiều lớn tới phần calo được đốt cháy sẽ tăng lên mà tôi chú trọng vào khả năng tiêu hóa cải thiện và yếu tố chánh niệm khi ăn. Một vấn đề lớn của tôi là: Tôi nhai chậm, nhai kỹ kiểu gì đây khi về cơ bản, tôi không có thời gian rảnh?
Khi tôi hỏi Youkilis để xin lời khuyên, cô ấy đùa rằng, tôi nên "nhai nhanh hơn" nhưng cũng nói thêm là chỉ cần vài phút nhai chậm, nhai kỹ lúc mới bắt đầu bữa ăn đã là một khởi đầu tuyệt vời rồi.
Vậy là tôi đặt mục tiêu 15-20 lần nhai với mỗi thìa thức ăn rồi sẽ nâng dần lên. Nhưng, Youkilis cũng nhấn mạnh rằng: "Bạn không cần phải đếm đâu. Chỉ cần chắc chắn về việc thức ăn đã thành dạng lỏng trước khi nuốt là được".
Trong vòng 1 tuần liền, tôi miệt mài nhai, nhai và nhai cho tới khi thức ăn tan ra trong miệng. Quả thực, ban đầu, nó như một cực hình vậy. Nhưng theo thời gian, tôi bắt đầu quen dần. Và sự thật là nhai kỹ, nhai chậm thực sự không khiến tôi mất thêm nhiều thời gian vào mỗi bữa ăn.
Khi tôi buộc mình rời khỏi máy tính để tập trung nhiều hơn cho bữa ăn, tôi không thực từ bỏ thói quen làm nhiều việc cùng lúc. Bởi tôi đã quyết định tận dụng khoảng thời gian này để cho phép suy nghĩ của mình lang thang muôn nơi một cách có chủ đích. Kết quả là vào những thời điểm đó, những ý tưởng sáng tạo nhất của tôi đã nảy sinh.
Ở mốc 1 tuần, tôi gần như đã thành thạo việc nhai mỗi miếng thức ăn khoảng 30 lần (đôi khi nhiều hơn chút, đôi khi ít hơn chút), với vài lần ngoại lệ. Không có gì quá lớn lao xảy ra. Nhưng tôi đã bớt đầy hơi hơn.
Thói quen vệ sinh tốt hơn và không cấp bách như thường lệ. Tôi cũng không cảm thấy nhu cầu phải quá chú ý tới yếu tố chánh niệm khi ăn nữa bởi nó không còn là một hoạt động mà tôi chẳng hề đặt tâm trí mình vào nữa. Ngày làm việc của tôi cũng trở nên hiệu quả hơn nhiều nhờ khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu mà tôi dành cho bộ não.
Kết luận
Trong khi tôi không chắc mình sẽ tiếp tục nhai mỗi miếng thức ăn 30 lần, kết quả tôi đạt được đủ để chứng minh rằng nhai là một thành tố cực kỳ quan trọng của quá trình tiêu hóa. Nó không chỉ đơn giản là bước cần thiết để đưa thức ăn xuống dạ dày. Vậy nên, tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì thói quen nhai chậm, nhai kỹ khi ăn.
Bài viết của Stephanie Eckelkamp - một chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe và biên tập viên sức khỏe của một số trang thông tin.