Vẹn nguyên “nụ cười chiến thắng”

GD&TĐ - Gần 5 thập kỷ trôi qua sau “mùa hè đỏ lửa”, người lính già Lê Xuân Chinh dường như kiệt sức bởi những chìm nổi, éo le của cuộc đời.

Dẫu trong hoàn cảnh nào, người lính già Lê Xuân Chinh (bên trái) vẫn giữ vẹn nguyên “nụ cười chiến thắng”. Ảnh: Hải Yến
Dẫu trong hoàn cảnh nào, người lính già Lê Xuân Chinh (bên trái) vẫn giữ vẹn nguyên “nụ cười chiến thắng”. Ảnh: Hải Yến

Duy chỉ có “nụ cười chiến thắng” là vẫn vẹn nguyên như ngày nào dưới chân thành cổ Quảng Trị…

“Sống dậy” sau 30 năm “báo tử”

“Nhà tôi ba đời độc đinh, nhiều người trách: Sao không ở nhà lo giữ hương hỏa? Nhưng nước mất thì làm gì còn hương hỏa để mà giữ? Tôi lên đường vào chiến trường niềm Nam chỉ một suy nghĩ, đã đi thì chết xanh cỏ, sống đỏ ngực chứ không bao giờ đào ngũ” - Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (SN 1952) mở đầu câu chuyện bằng hồi tưởng về quyết định tự hào nhất của cuộc đời.

Năm 1972, nghe theo lời kêu gọi cứu quốc, từ quê hương Hưng Hà (Thái Bình), chàng thanh niên Lê Xuân Chinh đã xung phong ra chiến trường khi còn đang độ tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”. Ông trở thành lính thông tin của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.

Sẽ là thiếu sót nếu nói về ông mà không nhắc đến bức ảnh chiến tranh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị” của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính.

“Bức ảnh được chụp giữa chiến trường ác liệt. Lúc ấy, chúng tôi đang tranh thủ ngồi nghỉ, vừa lau súng vừa trò chuyện. Bỗng có anh nhà báo đi qua rồi bảo mấy anh em chụp ảnh. Chẳng ai bảo ai, anh em cùng cười và anh nhà báo chụp” - ông Chinh kể.

Thế rồi, trước thời điểm rút quân khỏi thành cổ khoảng một tuần, ông Chinh bị thương nặng, được chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1974, do không còn đủ sức khỏe để chiến đấu, ông ra quân mà không kịp nhận giấy chứng thương và các giấy tờ khác.

“Mãi sau này tôi mới biết, bức ảnh chụp chúng tôi thời điểm đó được đăng tải trên Báo Nhân dân đúng ngày 2/9/1972. Và sau năm 1975 thì đưa về treo tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Nhưng tất cả những người trong ảnh đều được xác nhận là đã hy sinh” – ông Chinh cho hay.

Cho đến một ngày cuối năm 2002, đồng hương của ông đến thăm bảo tàng đã nhận ra. Thế là, sau 30 năm kết thúc chiến tranh, hành trình đi tìm lại “nụ cười” trong bức ảnh lịch sử ấy mới được thực hiện.

Cuộc hội ngộ bất ngờ, có cả nước mắt và nụ cười, giữa tác giả và nhân vật diễn ra tại ngôi nhà nhỏ nơi ông cùng vợ, con sinh sống ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).

“Lúc đó, thông tin về tôi mới được làm rõ. Sau 30 năm, đồng đội mới biết tôi còn sống, nên tìm cách kết nối giúp tôi hoàn thiện giấy tờ thương binh và nhận các chế độ hỗ trợ. Cũng đến tận thời điểm đó, người ta mới biết tôi từng là chiến sĩ, từng chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị” – ông Chinh trải lòng.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị” của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính.
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị” của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính.

Giữ nụ cười “bất tử”

Suốt 30 năm, trong khi hàng triệu người đến với Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn nghĩ người lính có nụ cười chiến thắng ấy đã hy sinh, thì ở quê nhà, thương binh Lê Xuân Chinh vẫn sống.

Ông xây dựng gia đình và sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai). Về quê Thái Bình làm ruộng, gặp khó khăn nhiều do sức khỏe kém, ông theo người làng đi xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên. Thế nhưng, cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn.

Lê Thị Bảo Ngọc – là tên của đứa cháu nội với biết bao kỳ vọng của cả gia đình sau nhiều năm hiếm muộn của vợ chồng người con trai duy nhất. Suốt hơn 10 năm qua, em bị bại não bẩm sinh (do di chứng chất độc da cam dioxin). Ngọc sống trong vô thức, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Vợ chồng con trai ông vì khó khăn, mải lo toan cuộc sống nên mọi việc chăm sóc đứa cháu bệnh tật đều dồn hết cho 2 ông bà. “Nói không nói được, mỗi lần cháu đau đớn là cứ quằn quại, nghiến răng kẹt kẹt. Càng nghĩ càng thương, ông bà thì mỗi ngày một già yếu, bố mẹ thì khó khăn quá mải lo làm ăn, rồi đây ai lo cho cháu?!” – bà Đào Thị Đặt, vợ ông Chinh xót xa.

Bao năm, người lính già vừa lo kinh tế, vừa chạy đôn chạy đáo khắp các bệnh viện trong cả nước để tìm cách chạy chữa cho đứa cháu nội duy nhất. Lần nào ông cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ bác sĩ. Thế nhưng, hoàn cảnh không khiến ông gục ngã, vẫn nguyên nụ cười tươi, ông bảo: “Tàn dư của chiến tranh nó là tất yếu, chả có gì là ân hận, thôi thì cuộc chiến mà!”.

Gác lại khó khăn cuộc sống, giữa năm 2018, ông Chinh hoàn thành tâm nguyện cùng đồng đội một thời “vào sinh ra tử” thăm lại mảnh đất Thành cổ. “Tôi thấy mình đã là may mắn rồi, còn được sống, có gia đình để mà giờ được về thăm lại chiến trường xưa, chứ đâu như đồng đội phải gửi xương cốt nơi này…” – ông Chinh bộc bạch.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, kể từ buổi ông Chinh và đồng đội tình cờ trở thành nhân vật cho bức ảnh có một không hai. Giờ đây, mỗi dịp kỷ niệm nước nhà độc lập, người lính già lại ngậm ngùi khi không biết những người cùng chụp ảnh với mình giờ ở đâu, ai còn ai mất?

Còn bản thân ông, khi đã về phía bên kia con dốc cuộc đời, dường như đã kiệt sức bởi những chìm nổi, éo le cuộc sống. Duy chỉ có “nụ cười chiến thắng”, thì vẫn vẹn nguyên như ngày nào dưới chân thành cổ Quảng Trị…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ