Trong khi cơ sở giáo dục đại học mong Quy chế tuyển sinh sớm được “chốt” thì các thí sinh đề xuất các trường thông báo tuyển sinh tường minh, rõ nét để thuận lợi trong định hướng đăng ký xét tuyển.
Thí sinh “nhấp nhổm”
Học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn “nước rút” ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, năm nay, các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh lứa đầu tiên tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018 nên có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều trường chưa công bố đề án tuyển sinh đại học khiến học sinh lo lắng, khó khăn trong ôn tập và chuẩn bị định hướng đăng ký xét tuyển.
Năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn theo quy định của Bộ GD&ĐT. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định, học sinh lớp 12 sẽ đối diện với việc cơ sở giáo dục đại học có thể điều chỉnh tổ hợp xét tuyển. Dù vậy, nhiều cơ sở đào tạo chưa công bố cụ thể phương án tổ hợp xét tuyển, khiến thí sinh “nhấp nhổm” lo lắng.
Vì thế, ngoài việc Bộ GD&ĐT sớm “chốt” Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị, các cơ sở đào tạo cần sớm công bố công khai thông tin về tuyển sinh trong năm 2025 để thí sinh có cơ sở ôn tập và định hướng ngành, trường học. Theo đó, nội dung về tuyển sinh phải tường minh, rõ nét, nhất là những thông tin về phương thức, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ, học phí…
Đó cũng là mong mỏi của Trần Trung Kiên - học sinh lớp 12, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội). Một số trường đại học đã có thông báo về tuyển sinh với nhiều điều chỉnh về chỉ tiêu, thay đổi tổ hợp xét tuyển và mở thêm ngành học mới. Thậm chí, có trường loại bỏ một số phương thức xét tuyển truyền thống.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa “tiết lộ” bất cứ thông tin gì liên quan đến xét tuyển. “Điều này gây khó cho chúng em trong quá trình chuẩn bị ôn tập cũng như xây dựng kế hoạch chọn ngành, trường học”, Trung Kiên bày tỏ và mong muốn, các trường đại học sớm “chốt” đề án tuyển sinh năm 2025.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Theo thông báo của Đại học Kinh tế Quốc dân, phương thức tuyển sinh năm 2025 ổn định nhưng có điều chỉnh chỉ tiêu đối với từng phương thức xét tuyển.

Tập trung củng cố kiến thức
Theo TS Lê Anh Đức - Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, dự thảo có tác động lớn tới những thí sinh có dự định xét tuyển sớm như mọi năm. Vì thế, Bộ D&ĐT cần sớm ban hành Quy chế để các cơ sở đào tạo xây dựng/điều chỉnh phương án tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh chủ động trong học tập, thi cử.
Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh giữ nguyên 5 phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng cho hay, phương án tuyển sinh năm nay của trường có thay đổi. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT năm ngoái là 30%, còn năm nay tối đa 20%.
Năm 2024, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 50%, còn năm nay tăng lên 60%. “Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT sớm công bố Quy chế tuyển sinh năm 2025 để các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án tuyển sinh sớm, từ đó thông tin công khai cho thí sinh, phụ huynh nắm được”, TS Thái Doãn Thanh bày tỏ.
Tán thành với đề xuất của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay, ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại đề xuất, Bộ cần sớm ban hành Quy chế chính thức và giải pháp về mặt kỹ thuật cần được thực hiện ngay. Nếu thời gian lấy ý kiến quá dài hoặc ban hành Quy chế muộn có thể ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển năm 2025.
Năm nay, Trường Đại học Thương mại dự kiến điều chỉnh, bổ sung một số tổ hợp xét tuyển để phù hợp với Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trường sẽ công bố đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị đề án tuyển sinh và sẽ công khai ngay sau khi Quy chế tuyển sinh được ban hành và có hướng dẫn của Bộ”, ThS Nguyễn Quang Trung chia sẻ, đồng thời khuyên thí sinh không nên quá lo lắng, bởi các quy định mới về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đều nhằm mục đích bảo đảm tuyển sinh chất lượng hơn, tạo sự công bằng và gia tăng cơ hội cho các em.
Theo Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại, thời điểm này, thí sinh nên tập trung học tập và dành nhiều thời gian ôn tập để sẵn sàng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao nhất. Nếu có điều kiện, các em cân nhắc tham gia thêm 1 - 2 phương thức xét tuyển khác (ngoài phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT) để tăng cơ hội trúng tuyển.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam khuyên học sinh lớp 12 nên tập trung ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, xây dựng kế hoạch xét tuyển phù hợp với năng lực. Cùng đó, các em nên đặt ra mục tiêu ngành nghề theo đuổi để không bị động trong giai đoạn “nước rút”.
Trực tiếp đồng hành với học sinh lớp 12, thầy Bùi Hữu Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) nhắn nhủ các em giữ vững tâm lý, tránh hoang mang trước những thông tin không chính thống trên mạng xã hội. Các em nên theo dõi thông tin tuyển sinh từ Bộ GD&ĐT, website của các trường đại học để tránh bị nhiễu thông tin.
“Trong giai đoạn này, việc của các em là tập trung vào học, ôn luyện và củng cố kiến thức. Ngoài ra, thí sinh cần lập kế hoạch ôn tập phù hợp, ưu tiên các môn trong tổ hợp xét tuyển”, thầy Bùi Hữu Tuấn tư vấn.
Hiện có hơn 70 cơ sở giáo dục đại học công bố thông tin tuyển sinh. So với năm 2024, phương án tuyển sinh của nhiều trường có sự điều chỉnh về phương thức xét tuyển, tỷ lệ chỉ tiêu từng phương thức, bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển, mở ngành mới. Điểm đáng chú ý là xu hướng giảm dần chỉ tiêu với hình thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường không xét tuyển bằng học bạ THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả của các kỳ thi riêng.