Dự án "Học tập cho tương lai bền vững - Giáo dục đại học cho chuyển đổi xanh tại Đông Nam Á" (Learning for Sustainable Future – Higher Education for Green Transition in Southeast Asia - GreenEdAsia) được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khởi động, triển khai từ ngày 17 đến 21/2.
Dự án này hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục đại học tại khu vực Đông Nam Á, tạo ra một hệ thống đào tạo tích hợp các yếu tố xanh và thân thiện với môi trường.
Đây là một phần của chương trình ERASMUS+, được Liên minh Châu Âu tài trợ với tổng kinh phí 800.000 Euro.


GreenEdAsia là dự án hợp tác giữa nhiều trường đại học đến từ Việt Nam, Phần Lan, Tây Ban Nha và Thái Lan, bao gồm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Đồng Tháp, Đại học Khoa học Ứng dụng Häme (HAMK), Đại học Burgos (UBU), Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (RMUTT) và Đại học Công nghệ Rajamangala Lanna (RMUTL).
Dự án kéo dài đến tháng 10/2027, trong đó Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đóng vai trò dẫn dắt, xây dựng chương trình giảng dạy và thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Đây là một bước tiến quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Đông Nam Á, đặt nền móng cho một nền giáo dục đại học hiện đại và bền vững hơn.



Buổi lễ khởi động dự án đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện quan trọng từ các tổ chức quốc tế, chính phủ và các trường đại học: Bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; TS Trần Nam Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT); ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TPHCM (HANE)...
Theo ban tổ chức, GreenEdAsia hứa hẹn sẽ tạo ra những tác động tích cực và đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của khu vực Đông Nam Á, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong giáo dục đại học.

Các điều phối viên của dự án GreenEdAsia gồm có PGS. TS. Hoàng An Quốc - Phó Trưởng khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; bà Nguyễn Anh Thư, Trường Đại học Đồng Tháp; PGS. TS Pracha Yeunyongkul, Trợ lý Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Rajamangala Lanna (RMUTL); TS Pakornkiat Sawetmethikul - Phó Trưởng khoa Giáo dục Kỹ thuật, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (RMUTT); bà Hanna Lindroos - Nhà thiết kế RDI (Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới), Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục (EDU Research Center), Đại học Khoa học Ứng dụng Häme (HAMK); GS. TS Elena Cristina Carrion Moneo, Khoa Kinh tế và Khoa học Kinh doanh, trường Đại học Burgos (UBU).