(GD&TĐ) - Nụ cười và câu nói nổi tiếng của chị: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai” trước bản án ngày 2/8/1968, đã thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam. 45 năm đã qua kể từ sự kiện lịch sử đó. Mặc dù rất bận rộn, nhưng chị và chồng - Luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) vẫn dành một buổi tối trải lòng với chúng tôi, những người lính.
Câu chuyện bắt đầu từ ký ức về những ngày đầu theo cách mạng: Võ Thị Thắng sinh ra và lớn lên từ Rạch Rích, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong một gia đình mà ba má và 9 anh chị em đều tham gia, gắn bó với cách mạng. Từ lúc 9 tuổi, chị tham gia đưa thư, mang cơm cho cán bộ trong hầm bí mật, được ba má chị che chở nuôi giấu trong nhà. Từ tình yêu thương các bác, các cô, các chú, chị có tình cảm với cách mạng và trở thành một đảng viên kiên trung. Năm 13 tuổi, chị thi đậu vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức - Long An và khi 17 tuổi, được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động trong phong trào thanh niên - sinh viên - học sinh.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 của quân và dân ta ở miền Nam, địch tập trung lực lượng điên cuồng phản kích. Tại Sài Gòn, chỉ tính riêng trong hai năm 1968 -1969, chúng tiến hành hơn 7.000 cuộc hành quân cảnh sát, càn quét phá vỡ nhiều cơ sở, bắt bớ nhiều đảng viên và cán bộ cách mạng. Các căn cứ như Rạch Bần, Phú Định, Rạch Ông, Rạch Cát… bị địch đánh phá chà đi xát lại nhiều lần. Đời sống của người dân điêu đứng, việc đi lại, làm ăn gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” của Võ Thị Thắng |
Trên địa bàn Quận 6, địch tăng cường các đồn bót và các chốt chặn, lập các trạm gác trên cầu, ở các bến sông và chợ búa, tập trung quân liên tục lùng quét, phá vỡ nhiều cơ sở cách mạng. Trong khu vực cư xá Phú Lâm A - Hòa Đồng Tôn Giáo có tên liên gia trưởng khét tiếng gian ác, từng gây nhiều nợ máu với cách mạng. Tên này rất gian ngoan, xảo quyệt, do đó việc tiếp cận khó khăn. Nhằm phá thế kìm kẹp của kẻ thù, nữ đảng viên Võ Thị Thắng được giao nhiệm vụ trừng trị tên ác ôn này. Dưới sự chỉ đạo của Biệt động Quận 6, trực tiếp là anh Tám Thọ, anh Ba Phong, đêm 27/7/1968, Võ Thị Thắng bí mật tìm cách đột nhập vào nhà riêng tên ác ôn. Trong bóng tối lờ mờ, chị gọi tên xác định đối tượng trừng trị và bóp cò nhưng khẩu K54 bị kẹt đạn. Nhân đó, tên địch vùng chạy thoát thân. Thấy động, bọn lính bảo vệ vòng ngoài ùa vào bắt chị cùng đồng chí làm nhiệm vụ hỗ trợ. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man nhưng chị vẫn giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Không có chứng cứ, bọn địch phải trả tự do cho bà con và đồng đội chị.
Nhằm đối phó với phong trào diệt ác, phá kìm của cách mạng ở “Thủ đô” Sài Gòn, Mỹ - ngụy vội vàng đưa Võ Thị Thắng ra xử tại tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật. Tại phiên tòa, trước thái độ bình thản, hiên ngang của Võ Thị Thắng, tên ủy viên chính phủ của chính quyền Sài Gòn, với giọng tức tối kết tội:
“ … Võ Thị Thắng, cựu nữ sinh Gia Long, có thể nói là duyên dáng – với gương mặt thùy mị dịu dàng, nhưng không ngờ hành động của cô ta lại hoàn toàn trái ngược với gương mặt đó, nhất là thái độ vô lễ của cô ta khi đứng trước tòa án… Đề nghị chiểu theo Luật 10/59 tòa xử mức án tối đa”.
Khi nghe tuyên đọc bản án 20 năm khổ sai, người con gái Long An hiên ngang nở nụ cười và nói: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai”. Khí phách và nụ cười bình thản của Võ Thị Thắng trước tòa án quân sự địch đã khiến kẻ thù phải run sợ, nhưng lại là niềm tự hào của người dân Sài Gòn – Gia Định.
Trong những năm tháng bị tù đày, chị cùng tập thể nữ tù chính trị bị địch đàn áp, đánh đập, giam cầm, đối xử hết sức dã man, 2 lần bị đày ra Côn Đảo, giam vào chuồng cọp. Nhưng với niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và sức mạnh của tình cảm đồng chí, đồng đội, các chị đã giữ vững ý chí chiến đấu. Chị xúc động nhớ lại khi bị đày ra Côn Đảo, lúc bước đến cầu tàu bị đánh tới tấp nhưng các đồng chí, đồng đội đã đưa cả tấm thân đỡ cho nhau. Trong những ngày ở chuồng cọp, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, có lần địch xé lẻ phân tán để dễ bề đàn áp, truy bức trong đêm lạnh giá, gió hú, sóng gầm, nhưng các chị vẫn kiên định một lòng tin vào chiến thắng, và mọi người đều móc tay vào nhau xiết chặt đội ngũ.
Từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với bản lĩnh đã được tôi luyện trong đấu tranh, chị hăng hái công tác và vững vàng trong cơ chế thị trường. Trong những năm 1996 - 2007, chị được giao trách nhiệm đứng đầu ngành du lịch – một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, nhạy cảm. Cùng với cấp ủy, chỉ huy Tổng cục, chị vừa điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và chăm lo xây dựng nội bộ; vừa hoàn thành xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược ngành, xây dựng quy định, quy chế, góp phần xây dựng Pháp lệnh Du lịch rồi Luật Du lịch… Chị đã cùng tập thể, chèo chống khá thành công để giữ vững và đưa ngành du lịch từng bước sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, xứng đáng là ngành “kinh tế mũi nhọn” của đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, chị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các trọng trách Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IX, X) và đại biểu Quốc hội (khóa IX, X, XI). Từ khi về nghỉ hưu, chị cùng chồng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội và dành thời gian chăm lo tổ ấm gia đình, tạo điều kiện cho con cháu học tập, công tác.
Chia tay anh chị, nhưng giọng nói nhỏ nhẹ, bình dị, mộc mạc, bức ảnh trên tường với nụ cười chiến thắng, cùng những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội của chị càng làm tôn thêm vẻ đẹp không lẫn vào ai khác của người phụ nữ bất khuất Võ Thị Thắng một thời nổi tiếng và bình dị giữa đời thường hôm nay.
Nguyễn Minh Ngọc - Phạm Xuân Trường