Tỉnh – say trong vườn thơ Nguyễn Khoái

GD&TĐ - Thơ viết về tình yêu có tới hàng trăm ngàn cung bậc khác nhau. Bởi mỗi một tình yêu đều có một cung bậc tình cảm riêng. Có những cung bậc say đến nghiêng ngả đất trời và đưa đôi lứa yêu thương đến chân trời của niềm mơ ước. 

Tỉnh – say trong vườn thơ Nguyễn Khoái

Nhưng cũng có những trường hợp:

Người đi để lại mình tôi

Như con chuồn ớt đậu rồi lại bay

Mặt nước ngậm nỗi đắng cay

Cái chất cay ấy chính là sự thất tình. Có lẽ vì thế mà thơ viết về sự thất tình, chiếm một khối lượng lớn trong rừng thơ tình mênh mang và thường là những bài thơ đặc sắc.

Bài thơ Thế là của nhà thơ Nguyễn Khoái, in trong tập Lập đông (NXB Hội Nhà văn 2016) đã góp thêm một tiếng nói riêng vào núi thơ thất tình:

Thế là tôi chẳng còn em

Em thì đã hóa thành men rượu nồng

Chỉ còn tôi với thinh không

Tôi tan vào gió bềnh bồng mê say

Cuối chiều tôi trở về đây

Bàn tay không gặp bàn tay dịu mềm

Cửa nhà ai chẳng sáng đèn

Người đi hờ hững cài then cửa trời

Tôi về tìm chút niềm vui

Trong bình rượu đắng, tỉnh rồi, lại say.

Thế là, tên của bài thơ là một cách nói dở chừng, nên có tác dụng khêu gợi sự chú ý của người đọc. Người đọc sẽ chờ đợi một điều tốt đẹp mà nhà thơ báo tin ở nội dung bài thơ, chẳng hạn như: Thế là em đã yêu anh… nhưng thật bất ngờ, ở đây lại là sự mất mát trong tình yêu;

Thế là tôi chẳng còn em

Tiếng thơ, hay giọng thở dài não nuột, pha chút bàng hoàng của chàng trai thất tình, đã hóa thành giọng điệu của câu thơ? Chuyện được và mất trong tình yêu nam -nữ, xưa nay âu cũng là chuyện thường tình như ông hoàng của thơ tình Xuân Diệu đã từng khái quát trong bài thơ Yêu (Thơ Thơ)

“Yêu, là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu chắc đã được yêu

Cho rất nhiều,song nhận chẳng được bao nhiêu !

Người ta phụ , hoặc thờ ơ, chẳng biết…”

Những chàng trai thất tình, thường tìm đến với rượu. Rượu đã trở thành cái phao để những kẻ đang chới với trong biển tình bấu víu vào. Nhưng ở đây, rượu, lại không phải là rượu, mà là sự hóa thân của người mình yêu, giờ chẳng còn yêu mình:

Em thì đã hóa thành men rượu nồng.

Ý thơ tưởng như trái logic với câu thơ mở đầu. Vì người ta thường nói: Say em như say rượu, hoặc em là chất men say cho lòng anh uống mãi, nghĩa là tình yêu còn như ngọn lửa nồng thắm. Còn trong tình huống thơ này, lại là sự mất em, vậy thì em không thể là men say cho lòng anh đỡ khát. Do đó, có lẽ nên hiểu là sự việc em ra đi khỏi tình yêu, là nguyên nhân làm cho anh say triền miên với men rượu nồng, uống rượu mà cứ tưởng uống bóng dáng em và uống cả sự tiêc nuối cùng nỗi thương nhớ của lòng mình. Nhất là khi cuộc đời trống trải, chỉ còn một mình đối diện với trời đất bao la, thì càng thấy mình nhỏ bé, với cái bóng lẻ, ớn lạnh bên trời biệt ly:

Chỉ còn tôi với thinh không

Tôi tan vào gió bồng bềnh mê say.

Càng nhớ thương, tiếc nuối, càng bất lực, nên còn cách đắm mình trong rượu và nhưng cơn mê say đã đưa hồn người tới “cuối xứ mê li”, tới “cùng trời phóng đãng”, bồng bềnh như gió mây, tưởng như không còn có mình nữa.

Như kẻ khát vẫn thèm men, mặc dù mối tình đã đứt và mặc dù đã cuối chiều xế bong rồi, nhưng “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, cho nên vẫn trở lại chốn cũ để tìm bóng người xưa:

Cuối chiều tôi trở về đây

Cuối chiều là thời gian của tuổi đời bóng xế mà cũng là thời gian kết thúc của một ngày. Câu thơ gợi hình ảnh một “chàng trai đầu bạc”, cô đơn, lầm lũi bước trên con đường xưa trong cảnh ngày tàn, lòng hăm hở, mang bao kỉ niệm để tìm gặp lại cố nhân. Nhưng rồi hụt hẫng:

Bàn tay không gặp bàn tay dịu mềm

Cửa nhà ai chẳng sáng đèn

Người đi hờ hững cài then cửa trời.

Ngọn đèn trong đêm là tín hiệu cuộc sống của mỗi gia đình. Tùy theo hoàn cảnh mà mỗi nhà có một ánh lửa đèn khác nhau. Còn ở đây là cảnh vắng lạnh, cửa chẳng cài then, như một căn nhà trống vắng, đã lâu không có người ở. Cài then cửa giời là một hình ảnh sáng tạo, nói về cánh cửa không đóng khóa. Lòng trống vắng, đi tìm người, lại gặp cảnh nhà hoang lạnh, thì thất vọng biết bao nhiêu ! Đến đây tôi bỗng nhớ tới hình ảnh căn nhà và tâm trạng người trở về trong bài thơ Qua nhà của Nguyễn Bính:

“…Bờ rào cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

Lợn không nuôi, đặc ao bèo

Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn

Giếng thơi nước ngập mưa tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều…”

(1936 - Chân quê).

Nếu như ở những câu thơ trên còn le lói chút hi vọng được gặp lại người tình thì cuối cùng là niềm tuyệt vọng, đã khép lại bài thơ:

Tôi về tìm chút niềm vui

Trong bình rượu đắng, tỉnh rồi lại say.

Trong tình cảnh này, với tâm trạng ấy, còn có gì là vui ? Nếu có vui chăng là “vui gượng kẻo mà”. Rượu lúc này dù ngon đến mấy cũng không thể mang lại cho kẻ thất tình niềm vui được mà ngược lại càng uống càng thấy buồn và rượu ngọt cũng hóa đắng. Cái vị đắng của nỗi lòng mất mát người yêu đã át hết mọi cảm giác. Lúc này không còn là người uống rượu nữa mà là rượu uống người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích cấp thành phố vào tháng 11/2024, minh chứng cho giá trị lịch sử đô thị và văn hóa của địa danh. Ảnh: Thùy Linh.

TPHCM đầu tư lớn bảo tồn di tích

GD&TĐ - TPHCM dành hơn 1000 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử trong 6 tháng đầu năm 2025, hướng đến gìn giữ giá trị truyền thống.